Viettel Global đặt mục tiêu doanh thu hơn 1,3 tỷ USD trong 2017

Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) vừa công bố nhiều thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2016.

Đây là công ty con của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), với tỷ lệ sở hữu của Viettel lên tới 98,68%.

Theo công bố, năm 2016, Viettel Global đã cung cấp dịch vụ tới 24 triệu thuê bao, với doanh thu cộng ngang đạt 1,041 tỷ USD (khoảng 23.700 tỷ đồng), giảm 21% so với cùng kỳ và đạt 70% so với kế hoạch đề ra.

Ban lãnh đạo Viettel Global cho biết, doanh thu giảm mạnh so với kế hoạch là do tại một số thị trường châu Phi bị ảnh hưởng của biến động tỷ giá khi quy đổi doanh thu từ đồng nội tệ sang USD như Mozambique biến động 58%, Burundi chênh lệch tỷ giá tăng 28%.

Tuy nhiên, tính theo đồng nội tệ của các nước thì doanh thu tại thị trường châu Phi vẫn tăng, như Tanzania tăng 1.343%, Cameroon tăng 43%, Burundi tăng 42%, Movitel tăng 7%, Natcom tăng 6%.

Ngoài ra, lý do khiến doanh thu Viettel Global sụt giảm còn do một số thị trường gặp thiên tai như bão, lũ lụt.

Việc lợi nhuận không đạt kế hoạch cũng được ban lãnh đạo Viettel Global lý giải là đến từ việc đầu tư mạng 4G theo xu hướng công nghệ hiện tại và đẩy mạnh vào các thị trường quy mô lớn như Tanzania, Cameroon, do đó doanh thu chưa đủ bù chi phí.

Viettel Global cũng cho biết công ty đang gặp vấn đề về nhân sự, thiếu các chuyên gia giỏi, trình độ chuyên môn cao, yếu kém về ngoại ngữ, thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống tại môi trường mà có văn hoá, chính trị, pháp luật hoàn toàn khác so với Việt Nam.

Năm 2017, Viettel Global đặt kế hoạch doanh thu là 1,339 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2016, kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 5 triệu USD.

Viettel Global cho biết các thị trường công ty đã đầu tư đang phải đối mặt với nhiều đối thủ lớn như Orange, MTN, Movistar, Claro, Digicel, Axiata… Đây là các nhà mạng có thương hiệu và đã khai thác nhiều năm, tiềm lực kinh tế mạnh.

Ngoài ra, xu thế sử dụng các dịch vụ OTT như Viber, WhatsApp, Facebook... đã khiến cho doanh thu các dịch vụ truyền thống như điện thoại, nhắn tin ngày càng giảm.

Viettel Global đánh giá, việc mất giá của đồng nội tệ các nước mà công ty đầu tư so với đồng USD có xu hướng trở lại cùng với những biến động chính trị, thiên tai, kinh tế đang là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Hơn một thập kỷ trước, vào năm 2006, Viettel quyết định mở rộng kinh doanh ra nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng, khi đó Viettel Global được thành lập với sứ mệnh trở thành tập đoàn viễn thông lớn mạnh tầm quốc tế. Đây là một trong những công ty có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất Việt Nam.

Hiện Viettel Global đã có trụ sở và khai thác dịch vụ viễn thông tại nhiều nước như Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Myanmar.

Đọc tiếp »

Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Ngày 26/4/2017, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) chính thức tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ nhất. Nhân dịp này, VnEconomy xin được giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến sự phát triển của khối doanh nghiệp được đánh giá là ''động lực quan trọng'' này.

“Phát triển kinh tế tư nhân đã được Đảng ta quan tâm ngay từ Đại hội VI, Đại hội của đổi mới, năm 1986. Tiếp theo đó, ở tất cả các kỳ Đại hội, Đảng ta đều nhấn mạnh và từng bước làm rõ hơn nội hàm về phát triển kinh tế tư nhân.

Điều này đã được khẳng định gần đây nhất tại Đại hội XII của Đảng: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng ta chứng kiến sự quyết tâm mạnh mẽ từ Đảng, Quốc hội và Chính phủ với những quyết sách đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững tập trung vào 4 mũi đột phá chiến lược: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ.

Được biết tại hội nghị lần thứ năm sắp tới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ thảo luận và ban hành Nghị quyết mới về kinh tế tư nhân.

Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP với mức 6,7% đi liền với ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ đang chuyển mạnh sang xây dựng Chính phủ kiến tạo. Giới doanh nhân tin tưởng chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở Chính phủ mà sẽ là chủ trương xuyên suốt, là kim chỉ nam hành động của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương.

Đây là thời điểm hành động, nói đi đôi với làm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tham gia kinh doanh hợp pháp, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, vì một mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Trong bối cảnh như vậy, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2017.

Diễn đàn sẽ nghe và thảo luận về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân; những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp tư nhân khi thực hiện các Hiệp định tự do thế hệ mới (FTA); phát huy sức mạnh và tiềm năng kinh tế hộ trong phát triển kinh tế.

Tiếng nói của doanh nhân về khởi nghiệp; sáng tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; doanh nghiệp liêm chính; phát triển bền vững và môi trường, xây dựng thương hiệu, nông nghiệp công nghệ cao và các vấn đề quan trọng khác. Diễn đàn còn là nơi gặp gỡ các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí là Lãnh đạo các Bộ, ban ngành và các đồng chí là lãnh đạo các địa phương với đại diện giới doanh nhân và học giả cả nước.

Diễn đàn sẽ cùng thảo luận một cách cởi mở để thống nhất đưa ra các ý kiến đóng góp cho Hội nghị Trung ương năm sắp tới về phát triển kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nhân nêu tiếng nói của mình đóng góp cho sự phát triển chung của Đất nước, từng bước nâng cao vị thế của giới doanh nhân trong cộng đồng xã hội và trên bình diện quốc tế.

Doanh nhân Việt Nam cần nhanh chóng học hỏi, nâng cao trình độ, tuân thủ mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, kinh doanh bền vững gắn trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, tuân thủ liêm chính để sẵn sàng hội nhập và vẻ vang sánh vai với giới doanh nhân ở các nước phát triển khắp năm châu trong thời gian tới”.

Đọc tiếp »

Ông Nguyễn Đức Hưởng lên tiếng trước loạt tin đồn

Hai ngày sau sự kiện đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Hưởng ở vị trí Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị, thị trường có những đồn đoán khác nhau.

Trong thông cáo về sự kiện trên, LienVietPostBank cho biết: “Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tập trung các công việc quan trọng của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam trong thời gian tới với vai trò Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội và theo phân công, biệt phái nhận nhiệm vụ mới của Ngân hàng Nhà nước (nếu có)”.

Trước gợi mở này, thị trường xuất hiện một số bàn luận về khả năng ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); thậm chí còn có đồn đoán có “vấn đề trong mối quan hệ” giữa ông Hưởng với ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank.

Một số thông tin không chính thức lan truyền trên mạng xã hội còn đặt tình huống ông Hưởng sẽ về Sacombank, mà đứng sau là “sự hợp tác” giữa ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch Sacombank trước đây) với ông Dương Công Minh để mua lại cổ phần Sacombank mà Ngân hàng Nhà nước đang nhận ủy quyền…

Trao đổi với VnEconomy, ông Hưởng nói:

- Đúng là những tin đồn tréo ngoe! Tin đồn kiểu trên thì “mâu thuẫn”, dưới thì “bắt tay nhau”.

Tôi nghĩ, thứ nhất, không phải tự nhiên sinh ra cặp bài trùng “Minh Him Lam - Hưởng Liên Việt”, đã cùng đi một chặng đường 10 năm, luôn cùng một hướng lớn mà không bao giờ chú ý đến những chuyện lặt vặt.

Tôi luôn coi ông Dương Công Minh là anh ruột. Hai chúng tôi luôn bổ sung thế mạnh, thế yếu của nhau. Tôi học được từ ông Minh rất nhiều điều, nhất là tính quyết liệt, hạn chế tối đa việc nhớ lâu tránh đau đầu; ít hứa, nhưng đã hứa là làm bằng được, và cho đi để chia sẻ là chính.

Trong công việc, chúng tôi luôn thẳng thắn, bổ trợ cho nhau. Tôi có thể phê bình thẳng thắn trước mặt ông Minh ngay trong cuộc họp là chuyện thường tình. Còn những ai nói xấu sau lưng ông Minh mà tôi nghe thấy thì việc đầu tiên tôi làm là khẳng định ngay người đó nói sai sự thật.

Còn những thông tin xoay quanh Sacombank thì sao, thưa ông?

Trước hết, nhà đầu tư nhìn vào Sacombank với một thực tế, nhiều khoản nợ xấu tại đây gắn với các địa chỉ vàng về bất động sản. Đây là giá trị tiềm ẩn rất lớn khi ngân hàng xử lý được vấn đề nợ xấu.

Còn về lời đồn rằng ông Đặng Văn Thành và ông Dương Công Minh đứng phía sau ông Hưởng “bắt tay nhau” để mua 54% cổ phần Sacombank mà Ngân hàng Nhà nước đang nắm ủy quyền (qua VAMC), thì tôi xin nói thật, nếu đúng có chuyện hai đại gia này bắt tay cùng nhau mua và giải phóng cục nợ xấu của Sacombank thì… thật có phước cho sự phát triển của Sacombank.

Nhưng tôi lưu ý, không chỉ hai đại gia trên, mà bất cứ nhà đầu tư nào muốn mua được 54% vốn điều lệ đó thì phải có “tiền liền”, chứ không phải “tiền mặt” theo kiểu giơ mặt ra nợ để vay tiền.

54% cổ phần đó cũng chính là tài sản thế chấp bổ sung của cục nợ xấu, nên không phải đơn thuần cứ bỏ tiền ra mua là được sở hữu và trở thành cổ đông lớn ngay được. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước mới phải nắm giữ nó, qua việc nhận ủy quyền.

Theo tôi thấy thì chính Ngân hàng Nhà nước cũng đang mong muốn có nhà đầu tư tầm cỡ để giải phóng nhanh nợ xấu, nhưng ở Việt Nam chắc chắn thời điểm này không có bất cứ đại gia nào có sẵn cỡ 50.000 tỷ đồng tiền liền để đầu tư, giải chấp 54% cổ phần Sacombank khi cục nợ xấu chưa được hóa giải.

Kể cả có thêm hai ông Đặng Văn Thành và hai ông Dương Công Minh nữa để có đủ 50.000 tỷ tiền liền đi nữa, thì còn phải lọt qua được các tiêu chí khắt khe, chuyên nghiệp của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật. Đó là một vấn đề gai góc nữa.

Tôi nói đến đây các bạn sẽ tự nhận ra nguyên nhân trước đây đã có các đại gia đăng ký nộp từ 10.000 - 20.000 tỷ rồi mà vẫn chưa vào Sacombank được.

Như vậy thì ông Đặng Văn Thành và ông Dương Công Minh có dám đứng sau lưng ông Hưởng không? Chắc chắn không, kể cả có nhân bản thành bốn ông đại gia tầm cỡ đi nữa.

Vậy ông có thể cho biết nhận định cá nhân của ông về triển vọng tái cơ cấu Sacombank sắp tới, cũng như tin đồn ông về tham gia vào quá trình tái cơ cấu này?

Những người làm ngân hàng, cũng như thị trường nói chung, hẳn đều thấy rõ Sacombank là một ngân hàng thương mại lớn, một thương hiệu mạnh, có những giá trị nền tảng rất tốt. Đây cũng là những giá trị mà nhiều nhà đầu tư dòm ngó và khao khát, chứ không hẳn chỉ ở những địa chỉ vàng bất động sản nằm trong nợ xấu.

Cá nhân tôi thấy, nếu có các cơ chế chính sách hỗ trợ, sự bám sát quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, với những thế mạnh trên của Sacombank, quá trình tái cơ cấu có thể đẩy nhanh để ngân hàng này sớm quay trở lại quỹ đạo an toàn hiệu quả, trở lại vị thế hàng đầu đáng có.

Chúng ta phải chờ đợi các phương án, quyết định của cơ quan chức năng, từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Chúng ta kỳ vọng về phương án và những giải pháp tốt nhất.

Tôi cũng thấy rằng, tính tự chủ, tự lực của Sacombank ở đây cần phải được tôn trọng. Tiềm lực của họ sẽ là sức mạnh thực sự nếu có các cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy hợp lý, chứ không hẳn là cứ nhất nhất chờ đợi ngoại lực nào đó. Thêm nữa, khi Ngân hàng Nhà nước đang là đầu mối nắm tỷ lệ chi phối lớn qua nhận ủy quyền nói trên, tôi tin tưởng cơ quan này sẽ có những giải pháp, quyết định hợp lý và đương nhiên là tốt cho Sacombank.

Cá nhân tôi sau khi rời LienVietPostBank, như thời gian qua, trước mắt tôi vẫn bám sát và đẩy mạnh việc đầu tư và triển khai dự án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước biệt phái, giao nhiệm vụ nào thì tôi sẽ quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ đó.

Đọc tiếp »

Sếp Tasco: “Thu phí tự động như miếng xương, làm mới thấy sai lầm”

Sáng 26/4, Công ty Cổ phần Tasco (mã HUT) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

“Trùm BOT” chuyển hướng sang y tế, bất động sản

Báo cáo về kết quả kinh doanh, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco, cho hay, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2016 của Tasco đạt 2.960 tỷ đồng, tương đương 123% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 31% so với năm 2015.

Lợi nhuận sau thuế đạt 403 tỷ đồng, tương đương 106% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 151% so với năm 2015.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng so với năm 2015 chủ yếu là do công ty đã thực hiện bàn giao nhà cho khách hàng tại dự án khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (Foresa Villa).

Về định hướng chiến lược năm 2017 - 2022, ông Dũng cho biết sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực: đầu tư bất động sản, đầu tư y tế và công nghệ.

Về đầu tư bất động sản, theo ông Dũng, công ty sẽ lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đầu tư bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Tìm kiếm cơ hội đầu tư về bất động sản ở Hà Nội và các thành phố lớn.

Hiện, Tasco đang thực hiện dự án nhà ở Bộ Ngoại giao 48 Trần Duy Hưng quy mô lớn với doanh thu dự kiến là trên 1.000 tỷ đồng. Dự án thứ hai là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao đường 70) theo hình thức BT. Thực hiện dự án này, theo Tasco, Tp.Hà Nội sẽ trả cho công ty khu đất sát Xuân Phương gần đường Lê Đức Thọ chỗ trụ sở Bộ Ngoại giao mới.

Tasco cho biết sắp tới cũng sẽ tập trung chiến lược mua lại đất, làm nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp.

Đối với lĩnh vực y tế, công ty sẽ tập trung mảng chăm sóc sức khoẻ của người dân và dự án Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 chính là tiền đề. Tiến tới nghiên cứu tiếp tục triển khai nhiều dự án bệnh viện khác như bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 đã được UBND Tp. Hà Nội chấp thuận…

“Chúng tôi kiên trì theo đuổi lĩnh vực y tế. Kế hoạch đặt ra của Tasco sẽ là đầu tư bệnh viện riêng tư nhân của mình kết hợp với việc xây dựng bệnh viện công”, ông Dũng khẳng định.

Ngoài ra, Tasco cũng hướng vào phát triển lĩnh vực công nghệ trên nền tảng thu phí không dừng và mở rộng sang phát triển hệ thống thu phí giao thông thông minh...

Sai lầm khi đầu tư vào thu phí tự động không dừng?

Trong Quyết định số 4390 của Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt, dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng đối với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Quốc lộ 1. Liên danh Tasco - VETC được chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức 1.524 tỷ đồng.

Về tiến độ, ông Phạm Quang Dũng cho hay, hiện Tasco đã lắp cửa thu phí tự động không dừng tại 8 trạm, vận hành thương mại 5 trạm. Theo kế hoạch, năm 2017, Tasco sẽ hoàn tất 28 trạm lắp hai làn đầu tiên. Đến năm 2018 sẽ lắp hai làn tiếp theo và 2019 sẽ lắp tất cả các cửa thu phí tự động.

Đối với 70 trạm còn lại trên toàn quốc, công ty sẽ cố gắng mở rộng, đồng thời, làm việc với UBND Tp.HCM, dự kiến tháng 9 tới sẽ lắp các cửa thu phí tự động ở Thành phố này.

Đối với mức phí thu phí, hiện nhiều nhà đầu tư BOT cho rằng, mức phí thu mà Tasco đưa ra 8%-10%/tổng doanh thu của trạm thu phí là quá cao.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Dũng khẳng định Bộ đưa ra mức trên phù hợp với điều kiện 28 trạm này để thu hồi vốn. Mức phí này không phải nhà đầu tư được hưởng, mà để phục vụ cho việc bảo trì, khấu hao và vận hành. Toàn bộ thu phí nhà nước kiểm soát chứ không phải nhà đầu tư muốn dùng thu phí này để chi gì thì chi.

Theo ông Dũng, trong hợp đồng thu phí tự động - không dừng với Bộ Giao thông Vận tải là rất khắt khe, không khác gì hợp đồng BOT, nhà đầu tư tham gia đầu tư thu phí tự động không dừng chỉ được hưởng lợi nhuận 11,5% trên vốn chủ sở hữu của mình, cũng như nhà đầu tư BOT. Ngoài ra, không có lợi nhuận nào khác.

“Chúng tôi hưởng 11,5% trên vốn chủ sở hữu. Thực ra mà nói với công nghệ là quá thấp. Nếu là công ty công nghệ kinh doanh lợi nhuận phải trên dưới 20-30%. Thấp nhưng chúng tôi vẫn làm vì chưa thấy cái gì cao hơn và có khả thi hơn thì làm thôi. Thị trường Việt Nam khó khăn thế. Nhưng quả thực vào làm rồi mới thấy sai lầm, mới thấy là xương xẩu, rất rủi ro”, ông Dũng khẳng định và cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư BOT không chịu hợp tác với Tasco lắp đặt trạm thu phí vì nhiều lý do "tế nhị" khác nhau...

Đối với các dự án BOT, ông Dũng cũng khẳng định vẫn tiếp tục đầu tư vào các dự án hiệu quả, kiểm soát được rủi ro, có doanh thu ổn định để đảm bảo cân đối tài chính.

Đọc tiếp »

IoT: Chìa khóa bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Nhận lời mời của Công ty Hồng Nam và Công ty Phinix Solutions - Tiến sĩ Timothy Chou (giảng viên Đại học Stanford trong lĩnh vực IoT trên thế giới) sẽ đến Việt Nam tham dự Hội thảo "Internet vạn vật - nguyên lý, thực thi và giải pháp" được tổ chức tại Hà Nội và Tp.HCM đầu tháng 5 tới, nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp trong nước về hiện trạng và tương lai IoT, cũng như cách mà Internet vạn vật thay đổi phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực như thế nào.

Internet Vạn vật (Internet of Things - IoT), thành phố thông minh, cuộc cách mạng 4.0... cùng nhiều biệt ngữ chuyên sâu rất dễ khiến chúng ta cảm thấy khó hiểu và mơ hồ về những khái niệm này, thậm chí hoang mang trước những bộ tài liệu giấy nặng tới vài cân.

Hầu hết công nghệ cho đến nay được xây dựng cho các ứng dụng Internet của con người (IoP). Tuy nhiên, vạn vật (things) không phải là con người. Có rất nhiều thứ có thể kết nối với Internet hơn con người, đó là những thiết bị và chúng có nhiều điều để nói hơn và có thể nói thường xuyên hơn.

Trong các cuộc hội thảo tại Hà Nội và Tp.HCM, các đại biểu sẽ có cơ hội học hỏi và trao đổi trực tiếp với TS.Timothy Chou. Ông sẽ chia sẻ phương thức giúp các tổ chức, doanh nghiệp, ngành nghề nhìn nhận được rõ hơn về một bộ khung IoT (IoT framework), công nghệ và các giải pháp trong các lĩnh vực.

Theo Ban tổ chức, ông Chou cũng sẽ giới thiệu các giải pháp thương mại IoT như những cơ hội kinh doanh trong tương lai để các doanh nghiệp chuẩn bị chiến lược và kế hoạch phát triển kinh doanh. Bài thuyết trình của ông cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn ra cơ hội kết nối toàn cầu, phương án đầu tư sản xuất ra các sản phẩm IoT theo từng thế mạnh riêng của mỗi doanh nghiệp.

Theo quan điểm của ông Chou, chính người đứng đầu mỗi tổ chức, doanh nghiệp mới là người quyết định thành công trong việc tạo ra các sản phẩm IoT của tương lai, chứ không phải từ việc mua giải pháp IoT trọn gói của các tập đoàn công nghệ.

Về tổng quan, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ có một cái nhìn toàn cầu tập trung vào các nền kinh tế đang phát triển như ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi đang đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và làm tăng dân số. Bạn nghĩ thế giới sẽ vận hành theo cách cũ hay cần đến sự trợ giúp công nghệ số?

Tại hội thảo, Tiến sĩ Timothy Chou cũng sẽ giới thiệu cuốn sách “Precision” - “Chính xác”. Nhiều lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đều đánh giá đây là “cuốn sách phải đọc” và được sử dụng như một tài liệu đào tạo của các tổ chức quan tâm đến phát triển Internet Vạn vật.

IoT Institute Learning Center mới đây đã đưa ra một khóa học mới chuyển đổi doanh nghiệp có tiêu đề “Những nền tảng của của IoT và ví dụ về Chuyển đổi doanh nghiệp” bằng cách sử dụng cuốn sách Chính xác của TS.Timothy Chou làm cơ sở. Precision đã được coi là “cuốn sách phải đọc” và được sử dụng như một tài liệu học tập của các tổ chức quan tâm đến IoT.

Tiến sỹ Timothy Chou là giảng viên Đại học Stanford, Hoa Kỳ từ năm 1982. Cách đây hơn 10 năm ông đã xây dựng khóa học đầu tiên về điện toán đám mây tại Đại học Stanford. Ông từng giữ vị trí chủ tịch của Oracle on Demmand, là một trong những người tiên phong về điện toán đám mây và Internet Vạn vật (IoT), và là người có tầm nhìn, dự báo chính xác về các công nghệ của tương lai.

Tại Việt Nam, Công ty Hồng Nam và Công ty Phinix Solutions đã có bản quyền xuất bản cuốn Precision bằng tiếng Việt Chính xác - Nguyên lý, thực thi và giải pháp cho Internet vạn vật.

* Thông tin chi tiết về Hội thảo “Internet Vạn vật - Nguyên lý, Thực thi và Giải pháp”:

- Tại Hà Nội vào ngày 4-5-2017 từ 8h - 12h tại Khách sạn Daewoo, số 360 Kim Mã, quận Ba Đình - Hà Nội
Người liên hệ: Ms. Lê Minh Tâm Mobile: 0908979468 ; Email: minhtam@hnc.com.vn

- Tại Tp.HCM vào ngày 5/5/2017 từ 8h-12h tại Khách sạn Intercontinental, số 39 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM

Phí tham dự: 5.000.000VND/ khách với số lượng có hạn
Tìm hiểu và đăng ký tham gia tại Facebook Vietnam IoT
Hotline: BS Hoàng Linh - 0974561988; Email: vietnam.iot@phinixsolutions.com

Đọc tiếp »

Bắt tạm giam Tổng giám đốc Euro Auto

Theo một nguồn tin từ Tổng cục Hải quan, 3 lãnh đạo của Công ty cổ phần Ôtô Âu châu (Euro Auto) vừa bị khởi tố. Theo đó, ông Nguyễn Đăng Thảo đã bị bắt tạm giam từ chiều 26/4.


Ông Nguyễn Đăng Thảo là nguyên Tổng giám đốc của Euro Auto từ 1/11/2015, là Tổng giám đốc người Việt đầu tiên của doanh nghiệp liên doanh nhập khẩu xe BMW chính hãng tại Việt Nam. Ông gia nhập Euro Auto từ tháng 9/2009 với chức vụ Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị. Ông Thảo có tới 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành xe hơi.


Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và đang tiếp tục điều tra làm rõ.


Trước đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 18/QĐ-ĐTCBL khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Euro Auto.


Quyết định trên được ban hành trên cơ sở căn cứ theo kết quả điều tra, xác minh và các tài liệu chứng cứ thu thập được và sau khi trao đổi thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về hành vi nhập khẩu các loại xe ôtô BMW, vi phạm pháp luật hải quan của Euro Auto.


Cục Điều tra chống buôn lậu đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an để xử lý theo thẩm quyền.


Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan yêu cầu tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ôtô BMW vào Việt Nam, trừ đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.


Nguyên nhân được cho là trong quá trình thanh tra, kiểm tra về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đã xác định có nhiều sai phạm trong hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên chiếc của Euro Auto.


Theo đó, Euro Auto tự ý tiêu thụ hàng hóa (ôtô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định; cố ý không cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ôtô BMW do công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng; sử dụng tài liệu giả như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu ôtô BMW.

Đọc tiếp »

Mỗi ngày chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lỗ gần 5 tỷ đồng

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng việt Nam - Vinaconex (Mã VCG) vừa công bố báo cáo thường niên 2016, trong đó ghi nhận kết quả kinh doanh của một số công ty liên kết trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.


Đáng chú ý, trong báo cáo này, Tổng công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) đang vận hành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - đơn vị có phần góp 40 tỷ đồng vốn điều lệ từ Vinaconex, ghi nhận làm ăn thua lỗ.


Cụ thể, trong năm 2016, Vidifi đạt doanh thu thuần 1.430 tỷ đồng, tăng nhiều lần so với mức 121 tỷ đồng của năm 2015. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày Vidifi thu về gần 4 tỷ đồng.


Tuy nhiên, do chi phí vận hành, lãi vay cũng như khấu hao dẫn đến Vidifi lỗ 1.756 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thua lỗ gần 5 tỷ đồng.


Tổng tài sản tính đến cuối năm 2016 của Vidifi đạt hơn 38.700 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ cùng thời điểm là hơn 3.700 tỷ đồng.


Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Vidifi làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Dự án khởi công từ tháng 5/2008 có tổng mức đầu tư 45.500 tỷ đồng, suất đầu tư 10,8 triệu USD/km 4 làn xe, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5 - 11,4% trong thời gian 30 năm.


Toàn tuyến dài 105 km, trong đó có 6 km chạy qua Hà Nội, 26 km qua Hưng Yên, 40 km qua Hải Dương và 33 km qua Hải Phòng.


Ngoài hai cổ đông thiểu số là Vietcombank và Vinaconex, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là cổ đông chính, đồng thời là nhà tài trợ vốn chủ yếu cho dự án này.


Để hoàn vốn cho dự án này, Vidifi thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 cũ cũng như đầu tư một só dự án bất động sản nằm dọc cao tốc.


Cách đây đúng 1 năm, khi Vidifi tăng mức thu phí, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vidifi cho biết: “Không thể không tăng, nếu không chúng tôi sẽ phá sản”.


Theo ông Chiến, Nhà nước hứa hỗ trợ 39% vốn đầu tư nhưng đến thời điểm đó Vidifi vẫn chưa nhận được đồng nào.


Ông Chiến cũng cho hay, mức thu phí thu được sau khi tăng chỉ đủ trả 50% số tiền lãi hàng ngày, tức đạt 4 tỷ đồng trả lãi trong khi tiền lãi ngày là 8 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

Chinh phục người dùng bằng “chất Suzuki”

Trong ngành công nghiệp ôtô, thuyết phục khách hàng chọn sản phẩm của mình vì công năng, vì chất lượng đã khó, làm cho họ tự hào về chiếc xe như một người bạn đồng hành tin cậy và cá tính còn khó hơn nhiều.

Ông Uto Harumichi Quản lý Kinh doanh và Marketing của Suzuki Việt Nam, chia sẻ con đường khó mà Suzuki đã, đang và sẽ tiếp tục đi để chinh phục người dùng ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Bước chân vào ngành công nghiệp ôtô với bề dày kinh nghiệm của một nhà sản xuất động cơ, theo ông, đâu là điểm khác biệt làm nên ưu thế cạnh tranh của Suzuki giữa hàng loạt đối thủ từ Đức, Mỹ và trên chính “sân nhà” Nhật Bản?

Chúng tôi tự tin ở sự tinh thông và kinh nghiệm lâu năm đối với dòng xe 2 cầu trong lịch sử hơn 40 năm góp mặt trên thị trường. Từ đó đến nay, Suzuki vẫn luôn trung thành trong việc sản xuất, cải biến dòng xe cỡ vừa và nhỏ.

Vì vậy, chúng tôi biết rõ tiêu chuẩn làm nên một chiếc xe hoàn thiện, làm hài lòng khách hàng bằng một chiếc xe có công năng tốt với mức giá hợp lý hơn bất cứ đối thủ nào khác trên thị trường.

Nhờ đó, tại thị trường Việt Nam, năm ngoái chúng tôi đã bán ra xấp xỉ 7,7 ngàn xe và đặt mục tiêu tiếp tục nâng doanh số bán lên 10 ngàn chiếc trong vòng 1-2 năm tới.

Tuy vậy, doanh số không phải là mục tiêu Suzuki theo đuổi, chúng tôi liên tục cải tiến để mỗi sản phẩm là người bạn đồng hành của chủ nhân.

Cụ thể, làm cách nào mà một chiếc xe lại có thể khiến chủ nhân tự hào, thưa ông?

Sự độc đáo là yếu tố cốt lõi. Khi đề cập đến sự độc đáo, chúng tôi muốn kể nhiều hơn về triết lý kinh doanh của Suzuki chứ không chỉ là thiết kế nội, ngoại thất của các dòng xe.

Đầu tiên là sự an toàn - ưu tiên lớn nhất khi thiết kế một chiếc xe và đòi hỏi nhà sản xuất phải rất tinh thông mới có thể tích hợp đầy đủ những tính năng an toàn trong một chiếc xe cỡ vừa và nhỏ.

Thứ hai là khả năng tiết kiệm nhiên liệu như yếu tố cốt lõi hướng đến sự phát triển bền vững. Đội ngũ kỹ sư ở Suzuki luôn nghiên cứu cách giúp giảm trọng lượng toàn diện của chiếc xe để việc vận hành tiêu tốn nhiên liệu ở mức thấp nhất,…

Cuối cùng là yếu tố cảm xúc của khách hàng khi trải nghiệm sản phẩm. Để chinh phục được trái tim khách hàng, chúng tôi phải đảm bảo chủ nhân tận hưởng niềm vui trong trải nghiệm lái thú vị và vững vàng ở mọi dạng địa hình, từ đó khơi dậy sự hứng khởi trong cuộc sống.

Ngoài ra, chúng tôi tin rằng chiếc xe phải thể hiện được giá trị và cá tính của chủ nhân. Ví dụ như trong dòng xe Vitara phiên bản mới, yếu tố cá nhân hóa được chú trọng phát triển để chủ nhân tự do thể hiện “chất” riêng.

Với việc tập trung vào các yếu tố an toàn, giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu, cảm giác lái, chắc chắn khách hàng sẽ tự hào khi lái một chiếc xe được sản xuất bởi Suzuki.

Dường như những triết lý kinh doanh của Suzuki đều phải dựa trên nền tảng công nghệ?

Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Chúng tôi tận dụng công nghệ, vật liệu chất lượng cao và cả thiết kế thông minh để đạt được mục đích cuối cùng là mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Ví dụ như chúng tôi đã ứng dụng công nghệ kiểm soát tác động toàn bộ TECT, với việc thân xe được bổ sung các bộ phận quan trọng cấu tạo bằng thép cường lực. Công nghệ TECT trên thân vỏ giúp mẫu xe Vitara cứng và nhẹ hơn mang đến hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiên liệu.

Ngoài ra, với thiết kế thông minh, khi có sự va chạm từ phương ngang, thanh thép chạy dọc thân xe sẽ phản cự để bảo vệ tốt nhất cho người ngồi bên trong. Chúng tôi còn có mối lưu tâm đặc biệt trong việc phát triển những công nghệ mới để bảo vệ cả người đi đường.

Cũng lấy ví dụ ở sản phẩm Vitara, những cải biến như nắp capo mềm dẻo, cản và các bộ phận của thân xe có cấu trúc hấp thụ lực tác động sẽ giảm nhẹ mức độ chấn thương của người đi bộ khi không may va chạm.

Ở Nhật Bản, chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để cho ra đời những dòng xe chạy bằng điện hay xe xanh (sử dụng pin nhiên liệu hydrogen). Đó là những sự đầu tư nghiêm túc để Suzuki không trượt khỏi đường ray của sự phát triển và thích ứng với những thay đổi siêu tốc trong tổng quan ngành ô tô toàn cầu.

Để thực hiện được những điều đó, hẳn là một quá trình nhiều thử thách, thưa ông?

Kinh doanh chưa bao giờ là việc dễ dàng. Như việc để chiếc xe tiêu hao ít hơn 1 đơn vị gas giúp người dùng tốn ít hơn 250 đồng chi phí là cả một chặng đường dài nghiên cứu.

Tuy nhiên, tất cả đều là những đầu tư xứng đáng để ra đời những sản phẩm nhẹ hơn, nhỏ gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn và cá tính hơn.

Mục tiêu trung hạn của chúng tôi là được gia nhập vào top những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, đó là hoài bão không chỉ gắn liền với doanh số bán mà còn đi đôi với sự hài lòng của khách hàng, hình ảnh thương hiệu và nhận diện Suzuki trong tâm trí khách hàng.

Dù chông gai, nhưng chúng tôi tin mình sẽ làm được vì biết rõ thứ mình muốn và luôn kiên định với mục tiêu đặt ra, đó cũng là cá tính của những khách hàng đến với Suzuki.

Cụ thể, khách hàng của Suzuki là những ai và điều khác biệt ở họ là gì, thưa ông?

Suzuki luôn đa dạng hóa sản phẩm để thỏa mãn những đối tượng khác nhau, tuy nhiên, chúng tôi tập trung tìm kiếm và phát triển nhóm người dùng trân trọng những giá trị và triết lí mà chúng tôi theo đuổi, đó là đề cao giá trị thực tế và độ tin cậy của chiếc xe. Xa hơn, tôi tin rằng đó là những người sống có hoài bão và giàu lòng kiên định.

Đồng thời để tri ân họ, chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện chăm sóc xe hoặc buổi gặp gỡ như Ngày hội Suzuki Vitara đã diễn ra vào ngày 1/4 vừa qua tại Hà Nội, và ở Tp.HCM là ngày 6/5 sắp tới.

Qua đó, ngoài việc chia sẻ niềm đam mê xe hơi để tạo nên một cộng đồng Suzuki gắn bó, chủ nhân Suzuki còn được tự do thể hiện quan điểm của mình. Bất kỳ góp ý nào từ người dùng luôn là đánh giá khách quan nhất để chúng tôi cải thiện sản phẩm.

Chúng tôi kỳ vọng với những nỗ lực không ngừng, hình ảnh Suzuki trong lòng khách hàng là một hãng xe chuyên nghiệp, tận tâm, luôn đảm bảo mang lại những hành trình vững chãi và đáng tin cậy cho hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.

* Suzuki công bố chương trình khuyến mại, theo đó từ nay đến hết ngày 30/6, khi mua Vitara 2016, khách hàng sẽ nhận ngay 100 triệu đồng. Thông tin chi tiết tại: https://www.suzuki.com.vn

Đọc tiếp »

SCIC đặt kế hoạch bán vốn tại 100 doanh nghiệp

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách bán vốn trong năm 2017. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm năng trong diện thoái vốn khiến thị trường chứng khoán hứng khởi.


Cụ thể, SCIC sẽ bán vốn tại 100 doanh nghiệp với quy mô thoái vốn rất lớn trong năm nay. Trong danh sách thoái vốn có khoản 1.000 tỷ đồng đầu tư tại Gang thép Thái Nguyên. Theo thông báo của SCIC, chỉ đạo của Chính phủ, công ty phải rút ngay 1.000 tỷ đồng, tương ứng năm 35% vốn tại đây. Được biết, Gang thép Thái Nguyên sẽ tiến hành đại hội cổ đông vào ngày 23/4 tới.


Thời gian qua dư luận trái chiều về việc SCIC đầu tư vốn xây dựng tháp truyền hình Việt Nam song danh sách thoái vốn mới nhất, SCIC đã quyết định thoái nốt toàn bộ 49,5 tỷ đồng (8% vốn điều lệ) tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam.


Đặc biệt, SCIC quyết định bán vốn hàng loạt tại các doanh nghiệp "gà đẻ trứng vàng" với khoản cổ tức lớn mỗi năm như Tập đoàn FPT (275 tỷ), Nhựa Bình Minh (134 tỷ), Nhựa Tiền Phong (275 tỷ đồng), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh với quy mô thoái vốn là 463 tỷ đồng (51% vốn điều lệ),... Đây là các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán và các mã cổ phiếu này được nhà đầu tư rất quan tâm.


SCIC cũng quyết định thoái vốn tại loạt các nhiệt điện như: Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Phả Lại. Khoản đầu tư còn lại của SCIC tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải cũng được thoái luôn.


Ngoài ra, danh sách thoái vốn còn có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp, mía đường, đầu tư, xi măng như, phim truyện, điện ảnh… Khoản đầu tư 2.552 tỷ đồng tại Vinaconex sau nhiều lùm xùm, công ty cũng lên kế hoạch thoái hết trong năm nay.


Năm 2017, SCIC đặt kế hoạch doanh thu 11.241 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 7.343 tỷ đồng. Kế hoạch là vậy, song kết thúc quý 1 công ty mới chỉ đạt doanh thu 639 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 503 tỷ, sụt giảm mạnh 69% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm của SCIC, kết quả kinh doanh quý 1 khá ảm đạm khi chỉ bán vốn được ở 7 doanh nghiệp.


Mới đây, các bộ ngành đã thống nhất về quan điểm tại đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, có phương án nâng cấp SCIC thành ủy ban quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để quản lý doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Nếu việc này được thực thi, SCIC sẽ quản lý khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD.

Đọc tiếp »

Novaland chi 1.939 tỷ mua doanh nghiệp vừa thành lập 1 năm

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va - Novaland (mã chứng khoán NVL) đã ra thông báo về việc chi 1.939 tỷ đồng mua lại 99,99% vốn tại Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức.

Novaland có vốn điều lệ là 5.893 tỷ đồng song việc chi một khoản lớn mua một doanh nghiệp bất động sản khiến giới đầu tư khá tò mò.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức được thành lập hơn một năm (16/2/2016). Người đại diện theo pháp luật đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên là Lê Nguyễn Diễm My, sinh năm 1988 quê ở Đồng Tháp.

Khi thành lập, Công ty Gia Đức có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng và chỉ có hai cổ đông. Lê Nguyễn Diễm My nắm tới 99,99% vốn điều lệ, cổ đông thứ hai là ông Nguyễn Quốc Hiển, chỉ góp 2 triệu đồng với tỷ lệ sở hữu tương ứng 0,01%.

Tuy nhiên, trước khi giao dịch với Novaland, ngày 29/3 Công ty Gia Đức bất ngờ tăng vốn lên 1.939 tỷ đồng, người góp chính là Lý Trường An và nâng tỷ lệ sở hữu lên 98,97%.

Theo giấy đăng ký kinh doanh, Công ty Gia Đức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà, kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu.

Trước đó, hồi cuối tháng 2 Novaland cũng nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 210,87 tỉ đồng, chiếm 99% vốn điều lệ của Công ty TNHH Bách Hợp. Đáng chú ý, Lê Nguyễn Diễm My cũng là người có sở hữu 0,99% vốn điều lệ của công ty này.

Ngoài ra, Lê Nguyễn Diễm My hiện còn nắm quyền điều hành nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Vận chuyển Mercury, Công ty Đầu tư bất động sản Hướng Công Viên, Công ty Đầu tư và phát triển Song Giang, Công ty Đầu tư và phát triển bất động sản Cửu Long (kinh doanh bất động sản), Công ty Cổ phần Nova Safe Fruit…

Bà Lê Nguyễn Diễm My cũng đang công tác tại Tập đoàn Novaland.

Còn ông Lý Trường An hiện cũng nắm quyền chi phối tại loạt các công ty khác như Công ty TNHH Thương mại đầu tư An Nhi, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Vương Gia.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Novaland là ông Bùi Thành Nhơn cũng vừa mới đăng ký mua vào 19,5 triệu cổ phần NVL. Với giá cổ phiếu hiện trên 72.000 đồng, ông Bùi Thành Nhơn dự kiến phải chi ra hơn 1.400 tỷ đồng cho thương vụ trên.

Hồi đầu tháng 4 năm nay, ông Bùi Thành Nhơn xác nhận với VnEconomy đã chính thức xin rút, không tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Novaland là doanh nghiệp bất động sản được thành lập từ năm 1992 (tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn), thuộc sở hữu của gia đình ông Bùi Thành Nhơn.

Novaland cũng có quá trình tăng vốn điều lệ “thần tốc” và vừa mới niêm yết trên sàn chứng khoán cuối năm 2016.

Theo báo cáo kiểm toán năm 2016, Novaland đạt doanh thu 7.354 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.659 tỷ. Công ty có tổng tài sản khoảng 36.527 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới trên 26.000 tỷ đồng. Công ty cũng áp lực lớn khi số vay nợ ngắn hạn lên tới trên 15.000 tỷ đồng, nợ dài hạn trên 11.000 tỷ.

Ngoài Gia Đức, Novaland có tới 41 công ty con và 6 công ty liên kết.

Đọc tiếp »

Khởi nghiệp châu Á thoát khỏi cái bóng của thung lũng Silicon

Ở châu Á, các doanh nhân khởi nghiệp có những “ý tưởng mang tính toàn cầu ngay từ ngày đầu thành lập, điều bất khả thi tại thung lũng Silicon”, tờ Nikkei dẫn lời Ernestine Fu, đối tác liên doanh của Alsop Louie Partners cho biết.

Lý do chính khiến các công ty khởi nghiệp châu Á làm được điều đó là tập trung giải quyết những vấn đề chung tại khu vực của mình. Một mô hình kinh doanh hay sản phẩm làm được điều đó thường sớm phát triển thành một công ty tỷ đô.

Đèn thắp sáng bằng nước muối

Công ty khởi nghiệp Salt của Philippines là một ví dụ điển hình. Với ý tưởng tìm kiếm nguồn thắp sáng ổn định thay cho điện tại vùng sâu vùng xa của Philippines, nhà sáng lập Aisa Mijeno từng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch tập đoàn Alibaba, Jack Ma, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Manila năm 2015.

Salt đã chế tạo ra loại đèn sử dụng nước muối để thắp sáng thay vì dùng dầu hỏa (thay cho điện) vốn phổ biến ở các nước Đông Nam Á.

Mijeno nảy ra ý tưởng đèn nước muối sau thời gian sống tại một bộ lạc xa xôi ở Kalinga, phía bắc Philippines, nơi người dân phải đi bộ ít nhất sáu tiếng đồng hồ tới thị trấn gần đó để mua dầu hỏa.

Theo Salt, đèn nước muối của công ty có thể dùng được 8 tiếng mỗi ngày trong 6 tháng nếu bảo quản đúng cách.

"Chúng tôi đã tìm hiểu và phát hiện những nhu yếu phẩm mọi gia đình Philippines đều có là muối, nước và gạo. Đó là lý do chúng tôi dùng muối để làm chất xúc tác… tạo ra “điện”, Mijeno chia sẻ.

Salt được thành lập năm 2014 khi gia nhập Ideaspace Foundation, tổ chức tài trợ và phát triển những ý tưởng tiên tiến có tiềm năng thương mại. Ideaspace đã chọn Salt vào top 10 dự án hàng đầu của năm đó. Đến nay, công ty này đã cung cấp hơn 1.000 chiếc đèn muối cho các vùng xa xôi hẻo lánh ở Philippines và đang hợp tác với một công ty để bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Khởi nghiệp châu Á thoát khỏi cái bóng của thung lũng Silicon 1

Một số công ty khởi nghiệp mới nổi tại châu Á - Ảnh: Nikkei.

Thời trang Hồi giáo

Còn với Diajeng Lestari ở Indonesia, vấn đề cô canh cánh là giúp phụ nữ Hồi giáo vừa giữ được truyền thống vừa được tư do thể hiện gu thời trang của bản thân. Với ý tưởng này, năm 2011, cô thành lập Hijup, một trang web thời trang chuyên bán quần áo và phụ kiện cho phụ nữ Hồi giáo.

Hijup là từ viết tắt của "hijab-up" giống như từ make-up (trang điểm) hoặc dress-up (mặc) trong tiếng Ạnh. Hijab là từ chỉ loại khăn choàng phổ biến của phụ nữ Hồi giáo.

"Chúng tôi tin rằng mình có thể mang lại những điều tuyệt vời cho phụ nữ Hồi giáo khắp thế giới”, website của công ty cho biết. Theo công ty này, phụ nữ Hồi giáo “bị hạn chế nhiều thứ, không được tự do tạo ra những điều tuyệt vời và nhận được sự tôn trọng của người khác. Họ xứng đáng được hạnh phúc trong những chiếc hijab thời trang”.

Theo truyền thông địa phương, Hijup, khởi đầu với số vốn chỉ 5 triệu rupee (375 USD) năm 2011, giờ đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2016, ước tính doanh thu mỗi tháng của công ty là từ 500 triệu tới 2 tỷ rupee.

Thị trường tiềm năng mà Hijub đang nhắm đến khiến công ty này trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Theo Báo cáo Kinh tế hồi giáo toàn cầu của Thomson Reuters, năm 2015, phụ nữ Hồi giáo trên khắp thế giới đã chi khoảng 44 tỷ USD cho quần áo truyền thống. Ước tính chi tiêu cho quần áo Hồi giáo sẽ tăng từ 243 tỷ USD năm 2015 lên 368 tỷ USD vào năm 2021.

Hijup là một trong những trang web bán quần áo cho người Hồi giáo nổi tiếng nhất tại Indonesia. Tuy nhiên, chính thành công của công ty khiến nhiều người làm theo và cạnh tranh với họ. Theo một khảo sát hồi tháng 3 của tập đoàn iPrice của Malaysia, Hijup có 117.600 lượt truy cập mỗi tháng, đứng thứ 2 trong số các website thời trang Hồi giáo, chỉ sau Hijabenka, một công ty mới hơn.

Tuy nhiên, Lestari tỏ ra khá lạc quạn “Tôi hi vọng Hijub có thể trở thành một thương hiệu toàn cầu, giúp được nhiều người Indonesia, nhờ đó đóng góp cho Indonesia và cả thế giới”, cô chia sẻ trên một kênh truyền hình năm ngoái.

Phân tích hành vi lái xe

Còn ở Malaysia, một công ty đang nỗ lực để xử lý tình trạng ăn cắp xe hơi và lái xe vô trách nhiệm. Tại Malaysia, cứ mỗi 24 phút lại có một chiếc xe bị ăn cắp, truyền thông nước này cho biết.

Năm 2014, Katsana, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Kuala Lumpur, ra đời với mục tiêu giải quyết tình trạng này. Dịch vụ theo dấu GPS của công ty này cho phép chủ xe nhanh chóng định vị chiếc xe bị mất cắp của mình.

Katsna cho phép định vị một chiếc xe trong bán kính 5 mét và cập nhật 10 giây một lần. Công ty này cũng giúp các công ty vận chuyển giám sát vị trí của lái xe và vận hành phương tiện an toàn.

Điều làm nên sự khác biệt giữa Katsana và các đối thủ là những phân tích của mình. Tháng 12/2016, công ty này nhận được khoản đầu tư 4 triệu ringgit (907.000 USD) từ quỹ công nghệ Axiata Digital Innovation Fund thuộc tập đoàn viễn thông Axiata Group. Số tiền này được dùng để phát triển và thương mại hóa mảng di động viễn thông của Katsana, sản phẩm chuyên giám sát hành vi lái xe.

Thông qua hồ sơ rủi ro chính xác dựa trên phân tích hành vi lái xe, các hãng bảo hiểm có thể xác định những lái xe tốt và điều chỉnh mức phí bảo hiểm phù hợp. Katsana cho biết dịch vụ của mình giúp “các hãng bảo hiểm xe máy giảm đáng kể tiền bồi thường bảo hiểm, đồng thời có đầy đủ dữ liệu để chuẩn bị cho chính sách tự do hóa bảo hiểm xe máy sắp tới tại Malaysia”.

"Kể từ khi thành lập năm 2014, chúng tôi nhận ra rằng những phân tích về hành vi là tài sản giá trị nhất của chúng tôi”, Syed Ahmad Fuqaha Syed Agil, giám đốc điều hành, nhà đồng sáng lập của Katsana, cho biết trong một thông cáo. “Kinh nghiệm thực tế khi làm việc với các công ty lớn giúp chúng tôi phát triển được những thuật toán chính xác để phân tích hành vi lái xe. Điều này mang lại lợi ích trực tiếp cho các hãng bảo hiểm xe máy. Đây cũng là sứ mệnh đóng góp cho an toàn giao thông tại Malaysia của chúng tôi”.

Đọc tiếp »

“Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam”

"Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cho rằng Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh mà các địa phương khác khó có thể có được, nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để phát triển".

Sáng ngày 19/4, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 với sự tham gia của gần 500 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ ngành trung ương, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế cùng trên 240 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự.

Agribank là đơn vị đồng hành của chương trình, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank đã trao tặng tỉnh Bình Thuận 16 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỉnh Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh mà các địa phương khác khó có thể có được, nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để phát triển.

Thủ tướng khẳng định, chủ trương của Trung ương là xây dựng tỉnh Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam gồm năng lượng gió, mặt trời và cả điện khí; là trung tâm du lịch quốc tế và khu vực; trung tâm chế biến sâu về ti-tan.

Thủ tướng nhất trí quan điểm của tỉnh là chiến lươc xây dựng, phát triển Bình Thuận đi theo hướng xanh, sạch, bền vững với cộng đồng, vì sức khỏe con người, vì lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, của Nhà nước và người dân.

“Vì vậy, tỉnh Bình Thuận cũng như các nhà đầu tư cần có tư duy đổi mới, cách làm mới để tiếp tục phát huy vốn đầu tư trong nước cũng như quốc tế; có tầm nhìn dài hạn, nâng cao chất lượng quy hoạch, quy hoạch ngành, vùng, các loại sản phẩm thế mạnh không mâu thuẫn, triệt tiêu nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Quy hoạch và phát triển cần được phối hợp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các tỉnh chung quanh; xã hội hóa, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, có cơ chế phù hợp, chủ yếu theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển hạ tầng, kể cả logistics.

Tập trung vào các mũi nhọn, xây dựng các trung tâm năng lượng gió và mặt trời; xây dựng các khu du lịch liên hợp gắn liền vui chơi giải trí biển; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là nông nghiệp chất lượng cao để phục vụ đời sống người dân, cho du khách và xuất khẩu, gắn liền với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển, đi liền với đó là khởi nghiệp các doanh nghiệp tại địa phương. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nên có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững; nói đi liền với làm; quan tâm bảo vệ môi trường xanh, sạch để phát triển lâu dài…

UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 16 nhà đầu tư; ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 nhà đầu tư với tổng vốn cam kết gần 97 nghìn tỷ đồng.

Agribank đã ký tài trợ tín dụng với 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Sữa Thông Thuận với dự án “Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa”, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung với dự án “Khu chọn tạo và sản xuất tôm giống công nghệ cao”, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

Ông Nguyễn Đức Hưởng rời vị trí Phó chủ tịch LienVietPostBank

Chiều 24/4, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường để thay đổi nhân sự cao cấp và lên kế hoạch tăng vốn.

Tại đại hội này, LienVietPostBank đã thông qua việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị và ông Phạm Hải Âu, Trưởng ban Kiểm soát.

“Tuy nhiên, việc thay đổi nhân sự này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của LienVietPostBank. Dù không giữ cương vị Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Đức Hưởng vẫn tham gia hoạt động của LienVietPostBank với vai trò cố vấn cao cấp. Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tập trung các công việc quan trọng của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam trong thời gian tới với vai trò Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội và theo phân công, biệt phái nhận nhiệm vụ mới của Ngân hàng Nhà nước (nếu có)”, thông cáo của LienVietPostBank cho biết.

Bên lề đại hội, ông Hưởng cho biết, sau khi rời LienVietPostBank, ông sẽ tiếp tục tập trung và bám sát đề án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam, đề án mà LienVietPostBank và công ty Him Lam triển khai từ hai năm qua.

Ông Hưởng cũng cho biết đang lên kế hoạch đầu tư tại khu vực Tây Bắc để xây dựng mô hình trồng mắc-ca mẫu của riêng mình. Ngoài ra, tại Tây Nguyên, ông cũng đã có vườn giống mắc-ca được xây dựng với mục đích từ thiện, cung cấp cây giống miễn phí cho các hộ dân tham gia dự án.

Tại đại hội trên, LienVietPostBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi của LienVietPostBank năm 2017 và phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi.

LienVietPostBank được thành lập vào năm 2008. Ông Nguyễn Đức Hưởng là một trong những lãnh đạo cao cấp tham gia sáng lập và điều hành ngân hàng này suốt từ những ngày đầu.

Là một trong những ngân hàng trẻ nhất Việt Nam, nhưng đến nay LienVietPostBank đã trở thành ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước) có mạng lưới mạnh nhất hệ thống, với chi nhánh được thiết lập tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, có hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện đến tận cấp huyện, xã.

Tính đến 31/3/2017, tổng tài sản của LienVietPostBank đã đạt trên 138.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn trên 127.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 93.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 470 tỷ đồng.

Đọc tiếp »

Chính phủ sẽ “soi” kỹ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký ban hành chương trình công tác 2017 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp quy mô lớn; cổ phần hóa và chuyển các công ty nông, lâm nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

Ban Chỉ đạo sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thông qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức các đoàn công tác làm việc trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, kết hợp kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tổng hợp và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Tiếp tục rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập hiện có đủ điều kiện để cổ phần hóa theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và căn cứ Quyết định của Thủ tướng về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa, trình Thủ tướng phê duyệt; triển khai thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cùng với đó là theo dõi, đánh giá, tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO); kết quả thoái vốn nhà nước; tình hình xử lý vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; xử lý một số doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ....

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến cuối 2016 đã sắp xếp được 6.010 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa 4.508 doanh nghiệp.

Nếu tính từ 2001, từ chỗ cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp Nhà nước, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, đến năm 2011 có 1.369 doanh nghiệp Nhà nước thì đến cuối 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, từ 2017 - 2020 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở 4 bộ, ngành, 32 địa phương và 4 tập đoàn kinh tế.

Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2017, cả nước đã có 96,5% số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhưng tổng số vốn cổ phần hóa mới chỉ có 8%.

Đọc tiếp »

Thành triệu phú đô la nhờ công thức nấu ăn đường phố

Theo Bloomberg, khi qua đời, cha của Hiroe Tanaka đã để lại cho con gái một thứ mà sau này đã giúp thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô. Đó là công thức nấu món thịt xiên que kushikatsu đường phố nổi tiếng tại Osaka mà ông đã dành nhiều năm để sáng chế riêng cho con gái.

Bắt đầu từ nhân viên bán thời gian

Bản viết tay công thức này chế biến món Kushikatsu đã giúp Tanaka từ một nhân viên bán thời gian trở thành phó chủ tịch công ty mang tên mình. Bỏ dở đại học và từng làm nhân viên văn phòng, giờ đây Tanaka đang là chủ nhân của chuỗi nhà hàng Kushikatsu Tanaka Co. trị giá 82 triệu USD.

“Tôi luôn nhớ đến cha mình mỗi ngày”, Tanaka, năm nay 46 tuổi, chia sẻ trong một bổi phỏng vấn. “Tôi có được mọi thứ là nhờ công thức của ông”.

Kushikatsu là món thịt xiên rau đường phố nổi tiếng tại Osaka, Nhật Bản, nơi Tanaka lớn lên. Đây là món bắt nguồn từ bữa ăn nhanh và dinh dưỡng cho người lao động tại vùng này.

Lúc còn nhỏ, vào các dịp đặc biệt khi được hỏi muốn ăn gì, Tanaka luôn nói là kushikatsu. Cô cho biết cha mình luôn tâm niệm “nấu ăn là một nghệ thuật”, dầu, bột chiên, sốt… tất cả phải được dùng với tỷ lệ chính xác.

Trong nhiều năm liền, ông đã dùng thời gian rảnh sau giờ làm của một nhân viên kinh doanh bất động sản, để tìm ra công thức nấu món kushikatsu hoàn hảo cho con gái. Năm Tanaka 21 tuổi, cha cô qua đời.

Khi đó, Tanaka bỏ chương trình đại học chuyên ngành văn học và làm nhân viên hành chính tại một công ty quảng cáo. Cô đã thử bắt chước nấu món kushikatsu của cha nhưng thất bại.

Cuối những năm 1990, cô bắt đầu làm việc bán tại thời gian tại một quán bar của một người tên Nuki tại Osaka để tập trung vào nấu ăn và không ngừng thử nghiệm món kushikatsu.

Vài năm sau đó, khi Nuki, hiện cũng 46 tuổi, mở rộng kinh doanh ra Tokyo, Tanaka cũng chuyển tới thủ đô để làm việc tại nhà hàng cao cấp mới mở của anh này. Nuki tiếp tục để cô thử nghiệm món kushikatsu dù không có cùng đam mê ẩm thực. Dù không ngừng cố gắng với sự giúp đỡ của các chuyên gia, Tanaka vẫn không làm được món kushikatsu như ý.

“Mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ”, cô chia sẻ. “Sau tất cả, tôi đã nghĩ rằng mình chẳng thể làm được”.

Công thức nấu ăn định mệnh

Khi đó, mọi thứ trở nên vô cùng tồi tệ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khách hàng đến với nhà hàng của Nuki ngày một thưa thớt. Nuki nói với Tanaka rằng mình sắp phá sản và đã đến lúc phải về nhà.

Thành triệu phú đô la nhờ công thức nấu ăn đường phố 1
Hiroe Tanaka - Ảnh: Kushikatsu Tanaka.

Tuy nhiên, Tanaka nhất định không chịu từ bỏ. Cô thậm chí vay tiền để mở công ty mang tên mình. Nhưng cuối cùng cô phải chấp nhận rằng đã đến lúc phải dừng lại để trở về nhà. Vì vậy, cô bắt đầu sắp xếp đồ đạc. Đây cũng là giây phút định mệnh khi cô phát hiện chiếc hộp đựng di vật của cha, trong đó có công thức nấu món kushikatsu ông làm cho riêng cho cô.

Ban đầu, cả Tanaka và Nuki đều không kỳ vọng nhiều vào tờ công thức nấu ăn viết tay tẩy xóa chi chít này. Nhưng họ đã thử và thành công. “Đó thực sự là hương vị cha tôi từng nấu”, Tanaka cho biết.

Chinh phục Tokyo bằng món ăn đường phố kushikatsu

Khi đó, Nuki bắt đầu hứng thú với hương vị mới của món kushikatsu và quyết định thử chinh phục thị trường Tokyo lần cuối cùng.

Tháng 12/2008, Nuki tìm được một căn nhà nhỏ để mở nhà hàng ở khu vực yên tĩnh thuộc ngoại ô Tokyo với giá thuê rẻ hơn khu trung tâm. Anh sử dụng đồ dùng có sẵn từ nhà hàng cũ của mình để tiết kiệm chi phí.

“Nhiều người khuyên tôi không nên làm vậy bởi nơi này sẽ chẳng thu hút nổi ai”, ông nói.

Bỏ ngoài tai mọi thứ, nhà hàng Tanaka Kushikatsu đầu tiên ra đời và hút khách ngoài sức tưởng tượng. Khách hàng phải xếp hàng dài tới tận 1 giờ sáng để được thưởng thức món kushikatsu ở đây. Nuki thậm chí phải xếp thêm 2 bàn bên ngoài. Xe đạp lũ lượt đỗ bên ngoài cùng dòng người xếp hàng khiến nhiều khách đi xe bus qua đó bắt đầu tò mò.

Thành triệu phú đô la nhờ công thức nấu ăn đường phố 2
Nhân viên chế biến thức ăn tại nhà hàng Kushikatsu Tanaka - Ảnh: Bloomberg.

Tiếp đà đó, Nuki và Tanaka mở thêm cửa hàng thứ hai và thứ ba, và vẫn luôn đông nghịt khách. Đến khi có một nhà hàng đối thủ mở tại khu vực Shibuya đông đúc của Tokyo, cả hai quyết định đã đến lúc phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Lên sàn chứng khoán và nhượng quyền kinh doanh

“Ban đầu, tôi không thích ý tưởng có thêm người tham gia vào việc kinh doanh của mình”, Tanaka nói. “Nhưng điều tôi ghét nhất là khách hàng phải ăn món kushikatsu nhái và không đúng điệu, điều này ảnh hưởng tới hình ảnh của chúng tôi”, cô nói.

Kushikatsu Tanaka Co. bắt đầu giao dịch từ tháng 9/2016 sau đợt niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) ở mức định giá cao nhất. Cổ phiếu của công ty nhận được sự quan tâm lớn trên thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch tuần trước, cổ phiếu công ty này đã tăng 50%. Đầu phiên giao dịch thứ hai cổ phiếu này tăng nhẹ 0,3%.

Năm 2016, tính tới tháng 11, Kushikatsu Tanaka thu về lợi nhuận 316 triệu Yên (2,9 triệu USD), tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.

Kushikatsu Tanaka hiện có 146 chi nhánh tại Nhật Bản và một tại Hawaii. Năm 2017, chuỗi nhà hàng này dự định mở thêm 40 cửa hàng. Đây là một trong những chuỗi nhà hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Nhật Bản.

Tanaka hiện sở hữu 4% cổ phần công ty. “Kushikatsu là cuộc sống của tôi. Tôi chẳng biết sẽ làm gì nếu không có nó”, cô chia sẻ.

Đọc tiếp »

Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đã “sáng” hơn

Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn giữ được ở mức 2 con số trong năm 2016, dù cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp bảo hiểm thay vì chạy theo doanh thu bằng mọi giá như trước đây đã thay đổi chiến lược, tập trung vào hiệu quả kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của cả năm 2016 ước đạt 86.049 tỷ đồng, phi nhân thọ đóng góp 36.996 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43%. So với tốc độ tăng trưởng của cả thị trường (tăng 22,64%) và của nhân thọ (31,8%) thì mức tăng 15,10% của phi nhân thọ vẫn còn thấp.

Trong khi đó, cùng với áp lực mở cửa thị trường với sự tham gia của ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp ngoại và sự mở rộng của các doanh nghiệp nội, cuộc cạnh tranh để giữ thị phần của những người cũ và xác định vị thế của những người mới, vì thế chưa bao giờ nguội.

Thị phần năm 2016 có sự dịch chuyển nhẹ

Tại Hội nghị thường niên ngành bảo hiểm năm 2017 diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính đánh giá cao những nỗ lực của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong điều kiện kinh doanh hiện nay.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chú trọng đến việc phát triển mạng lưới hoạt động và đa dạng hoá sản phẩm bảo hiểm. Số lượng chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập mới trong năm tăng cao, hơn 50 chi nhánh.

Nỗ lực này đã phần nào giúp cho doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường tăng lên, tỷ lệ bồi thường giảm xuống.

Đặc biệt, số lỗ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm, đi kèm với đó là số doanh nghiệp bảo hiểm có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng so với năm 2015, góp phần nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ cấu trong doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2016 vẫn không có nhiều thay đổi. Phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay top đầu: Bảo hiểm PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI và PJICO.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, dẫn đầu thị trường là Bảo hiểm PVI với doanh thu bảo hiểm gốc đạt 6.658 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần, tiếp đến là Bảo Việt đạt 6.622 tỷ đồng, chiếm 17,90% thị phần, Bảo Minh đứng thứ ba với 3.102 tỷ đồng, chiếm 8,38% thị phần, PTI đứng thứ tư với 3.096 tỷ đồng, chiếm 8,37% thị phần, PJICO đứng thứ năm đạt 2.494 tỷ đồng, chiếm 6,74% thị phần.

Ngoài các doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên, một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm 2015 như UIC (673 tỷ đồng, tăng 95,96%), Phú Hưng (98,15 tỷ đồng, tăng 88,25%), VNI (462 tỷ đồng, tăng 50%), BHV (217 tỷ đồng, tăng 67,55%), VBI (707 tỷ đồng, tăng 40,61%), Cathay (177 tỷ đồng, tăng 57,41%).

Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2015 là Samsung Vina (1.039 tỷ đồng, giảm 17,54%) và Chubb (152 tỷ đồng, giảm 12%).

Tổng số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 13.137 tỷ đồng (chưa tính dự phòng bồi thường), chiếm tỷ lệ 36%, thấp hơn tỷ lệ bồi thường năm 2015 (44%). Có 19/30 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường.

Chú trọng vào hiệu quả kinh doanh bền vững

Cùng với tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2016 dường như đã cải thiện hơn khi số lượng doanh nghiệp có lãi nhiều thêm.

Theo số liệu công bố từ cơ quan quản lý, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2016 đã tăng lên 17/30 thay vì chỉ 13/30 như kết quả của năm 2015. 13 công ty còn lại trong tình trạng lỗ kinh doanh bảo hiểm cho thấy thách thức cạnh tranh trên thị trường này vẫn chưa hạ nhiệt.

Trong khi hoạt động kinh doanh lõi được cải thiện thì hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không được may mắn.

Lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục sụt giảm do tình hình đầu tư không có nhiều tích cực, đạt 1.353 tỷ đồng, giảm 8,8% so với năm 2015.

Lợi nhuận kế toán trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2016 ghi nhận ở mức 1.405 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2015.

Tỷ suất lợi nhuận kế toán trước thuế trên vốn chủ sở hữu của thị trường phi nhân thọ cũng giảm nhẹ, đạt 6%, thay vì mức 6,5% của năm 2015. Tổng hợp lại có 25/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài có lãi trước thuế, trong khi con số này ở 2015 là 24/30 doanh nghiệp bảo hiểm.

Trước kết quả của năm 2016 và những diễn biến khó đoán định của năm 2017, doanh nghiệp khối phi nhân thọ khá thận trọng trong định hướng kinh doanh. Lựa chọn của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong thời gian tới đây là tập trung tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ khách hàng và quản lý điều hành, chú trọng vào hiệu quả kinh doanh.

Chỉ một số doanh nghiệp lớn, có thế mạnh mới đủ dũng cảm và bản lĩnh để tiếp tục tăng cường mở thêm chi nhánh vì đây không phải là một bài toán dễ giải. Việc tập trung vào công tác quản lý khai thác, giám định bồi thường nhằm kiểm soát chặt chẽ và giảm tỷ lệ bồi thường cũng sẽ được các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát

Năm 2017, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đặt mục tiêu tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm là 73.507 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2016. Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc dự kiến là 40.087 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2016.

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, cơ quan quản lý bảo hiểm cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển một số sản phẩm bảo hiểm mới, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng kết hợp giữa giám sát từ xa và tăng cường trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định.

Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp sớm nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới mang tính đột phá, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của khách hàng, các sản phẩm bảo hiểm mang tính an sinh, xã hội cao, có phạm vi và tác động lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, nghiên cứu phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các kênh phân phối.

Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần nâng cao hiệu quả công tác quản trị tài chính, quản trị kinh doanh, tăng cường kỷ luật và hiệu quả quản lý tài sản, quản lý chi tiêu tài chính, rà soát các danh mục đầu tư, đảm bảo hoạt động đầu tư an toàn, hiệu quả... nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đọc tiếp »