Tháng 7/2007, trước khi lệnh bắt được phát ra, Gutseriev đã lái xe vượt biên giới Belarus và rời khỏi Nga.
Ông bỏ đi cũng để tránh chịu chung số phận với tài phiệt dầu mỏ Mikhail Gutseriev, người tham vọng lật đổ chính quyền của tổng thống Vladimir Putin và sau đó phải lĩnh án 10 năm tù.
Khi đó, từ giới truyền thông cho tới tài chính đều khẳng định đây là dấu chấm hết cho cuộc đời ông trùm dầu mỏ tung hoành một thời. Nhưng họ đã đánh giá thấp sự thông minh, năng lực và các mối quan hệ của tài phiệt lão làng này.
Gây dựng “Amazon của Nga”
Gutseriev trở lại Nga năm 2010, đúng thời điểm ông Dmitry Medvedev lên cầm quyền, những cáo buộc với ông được toà án xoá bỏ. Khi đó, Gutserieve như “hổ thả về rừng”.
Ông mua lại Russneft, gây dựng một công ty dầu mỏ thứ hai, đầu tư vào ngành than, hoá chất và radio, đồng thời thôn tính nhiều khách sạn. Tất cả các thương vụ này đều được thực hiện bằng tiền đi vay, chủ yếu từ các ngân hàng quốc doanh như Sberbank PJSC và VTB Group.
Theo Bloomberg, không rõ Gutseriev đã giành lại sự ưu ái của điện Kremlin như thế nào nhưng những thương vụ ông làm sau khi về nước cho thấy rõ điều đó.
Với khối tài sản gần 4,7 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg, tài phiệt này đang tập trung vào dự án đầy tham vọng, đó là xây dựng “Amazon phiên bản Nga”.
“Chúng tôi đang xây dựng một sàn thương mại điện tử bán mọi thứ từ thực phẩm cho tới quần áo”, Gutseriev cho biết sau khi giành quyền thâu tóm M.video PJSC, hãng điện tử gia dụng hàng đầu tại Nga.
Theo hãng nghiên cứu GfK, với thương vụ 726 triệu USD cho 58% cổ phần M.video, Gutseriev nắm trong tay hơn 25% thị trường gia dụng, điện tử trị giá 25 tỷ của Nga.
Gutseriev cho biết ông tình cờ bước chân vào ngành bán lẻ năm 2015, khi mua lại một đối thủ nhỏ hơn của M.video - Tekhnosil, phá sản vào đúng thời điểm tồi tệ nhất của cuộc suy thoái kéo dài suốt hai thập kỷ.
Chính việc này là nguyên nhân khiến ông luôn dùng mạng lưới nhà cung cấp lớn khi xây dựng sàn thương mại điện tử. Theo đó, khách hàng có thể nhận hàng tại hệ thống cửa hàng rộng khắp có sẵn của các nhà cung cấp. Nhờ đó, ông tránh được những trở ngại do hệ thống bưu điện rắc rối và kém thuận tiện hơn so với nhiều nước phát triển của Nga.
Tháng 12 năm ngoái, Gutseriev tiếp tục thôn tính đối thủ khác của M.video với giá 26 tỷ Rúp (450 triệu USD). Ba hãng điện tử gia dụng hàng đầu của Nga này hợp thành một chuỗi cửa hàng với hơn 900 điểm trải khắp 11 múi giờ từ vùng lãnh thổ Kaliningrad tại châu Âu cho tới Kamchatka tại Đông Á.
Dù vẫn còn hoài nghi cách làm “không giống ai” này của Gutseriev, Dmitry Kostygin, một cổ đông của hãng bán lẻ trực tuyến Ulmart, vẫn đánh giá cao năng lực kinh doanh của ông.
“Gutseriev rõ ràng có tài năng kinh doanh thiên bẩm, một khi điên cuồng với một ý tưởng nào đó, ông ấy nhất định bắt tay thực hiện”, Kostygin nói. “Tuy vậy, ông ấy đang tập hợp các hãng bán lẻ từng là đối thủ không đội trời chung với nhau nên việc hoà hợp không phải điều dễ dàng”.
Tài phiệt “nghiện làm giàu”
Gutseriev, 59 tuổi, cho biết ông mê kiếm tiền từ khi thành công với việc bán rượu vodka cùng với hai người bạn từ thủa nhỏ ở Grozny, thủ phủ Chechnya.
“Trong kinh doanh, bạn phải là kẻ cực kỳ tham lam”, Gutseriev nói. “Từ năm 13 tuổi, mỗi sáng thức dậy tôi đều nghĩ đến tiền”.
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật, Gutseriev trở về quê hương làm việc cho một công ty thủ công mỹ nghệ mới nổi. Chỉ trong 3 năm, ông đã lên quyền điều hành và mất 3 năm nữa để tăng doanh thu của công ty từ 1 triệu Rúp lên 32 triệu Rúp.
Cuối những năm 1980, thời điểm kinh tế suy thoái, Liên bang Xô Viết tan rã, Gutseriev mở một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại nước này.
Ông cũng thành lập một công ty sản xuất len, cung cấp cho một hãng dệt tại Moscow và đổi lại bằng vải thành phẩm. Sau đó, ông bán lại vải này cho các hãng sản xuất âu phục nam. Gutseriev cho biết quy trình này mang lại cho ông lợi nhuận 500%.
Ở tuổi 30, Gutseriev có thu nhập 1 triệu Rúp/tháng, trở thành một trong những người giàu nhất vùng.
Tháng 12/1991, khi chính quyền Xô Viết sụp đổ, tình hình bất ổn, tội phạm tăng đột biến, hàng triệu người mất việc, Gutseriev quyết định bán hết tài sản và chuyển tới Moscow.
“Khi đó chẳng có ai đủ tiền mua lại bất cứ phần tài sản nào của tôi”, Gutseriev cho biết. “Tôi đã bán các ngân hàng, nhà máy với giá từ 10.000 tới 20.000 USD”.
Với số vốn khoảng 1 triệu USD, tài phiệt này mở ngân hàng mới có tên B&N cùng với cháu trai Mikhail Shishkhanov, đồng thời xây dựng một chuỗi cửa hàng trang sức.
Năm 1994, chính phủ Nga thành lập khu phi thuế quan tại nước cộng hoà mới Ingushetia, giúp B&N trở thành ngành hàng duy nhất và hưởng lợi đáng kể từ hơn 3.000 công ty từ khắp nước Nga kinh doanh tại đây trong hơn 2 năm.
Sau này, khi mạng lưới quan hệ mở rộng, Gutseriev gia nhập chính trường và được bầu vào Hạ viện Nga (Duma quốc gia Nga) vào năm 1995. Đầu năm 2000, ông rời Hạ viện khi ông Putin lên nắm quyền, để điều hành Slavneft - liên doanh đầu mỏ của chính phủ với Belarus.
Tuy nhiên, tới năm 2002, Gutseriev mất việc khi Slavneft cổ phần hoá và được bán cho tập đoàn của Roman Abramovich và Mikhail Fridman, hai tỷ phú giàu nhất tại Nga.
Với kiến thức uyên thâm trong ngành dầu mỏ, Gutseriev mở công ty riêng đặt tên là Russneft và bắt đầu thâu tóm các công ty khác với số tiền 300 triệu USD từ đối tác Thuỵ Sĩ Glencore Plc - đơn vị ông từng làm việc cùng khi còn ở Slavneft. Từ năm 2003 - 2006, sản lượng của Russneft tăng từ 2 triệu tấn lên gần 15 triệu tấn nhờ việc thu nạp hàng chục công ty dầu nhỏ quản lý yếu kém.
Bước ngoặt phải rời đất nước đi tị nạn không làm Gutseriev chùn bước và không thể giảm đam mê làm giàu vốn đã ngấm trong máu ông. Ông luông duy trì tinh thần không chịu từ bỏ và luôn khao khát chiến thắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét