Khủng hoảng người kế nghiệp “nhấn chìm” doanh nghiệp lâu đời Nhật

Cuối năm 2016, sau 8 thập kỷ kinh doanh, Hideaki Ishiwata cuối cùng cũng quyết định đóng cửa siêu thị Maruki do ông nội mình thành lập và đã trải qua 3 thế hệ của gia đình. Con trai của ông Ishiwata không có hứng thú với việc tiếp quản việc kinh doanh và ông không có người kế nghiệp nào khác, còn khách hàng thì đang giảm dần.

Theo hãng tin Bloomberg, công ty nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ tới 99% doanh nghiệp Nhật và sử dụng 70% lực lượng lao động nước này. Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của ông chủ các công ty này đã tăng lên 59 tuổi và đa số doanh nghiệp này thấy không được hưởng gì từ chính sách phục hồi kinh tế của chính phủ nước này.

Trong hai mươi năm tới, cơn lốc đóng cửa sẽ tràn tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nhật bởi những ông chủ già nua không thể tìm được người tiếp quản kinh doanh, Bloomberg dẫn nhận định của giáo sư, nhà kinh tế học Toshiya Miyawaki của đại học Tokuyama, cho hay.

Không người kế nghiệp

Từ năm 2007 đến 2016, số lượng công ty tuyên bố phá sản tại Nhật giảm 40%, trong khi đó, tỷ lệ công ty tự tuyên bố đóng cửa lại tăng với tỷ lệ tương đương (gần 30.000 trong năm 2016).

Theo ông Miyawaki, xu hướng tự đóng cửa là điều đáng lo ngại hơn. Trong một khảo sát tháng 4 vừa qua của chính phủ thực hiện với các công ty tự tuyên bố đóng cửa, 37% doanh nghiệp cho biết nguyên nhân của việc này là tình trạng kinh doanh tồi tệ và 33% cho biết họ không tìm được người kế nghiệp.

Theo nhà phân tích Sakamaki thuộc tập đoàn tài chính Nomura, tới năm 2040, mỗi năm sẽ có khoảng 40.000 công ty lâu đời của Nhật phải chật vật tìm người lãnh đạo mới.

Đa số sẽ chọn phương án đơn giản là đóng cửa, giới phân tích nhận định. Và khi có ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng cửa, cơ hội để thu hút những người kế nghiệp từ thành phố về quê hương để tiếp quản gia nghiệp sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Tuy vậy, điều đáng nói là đa số những doanh nghiệp này thuộc loại “có lợi nhuận” hoặc “lợi nhuận cao”. Như vậy có nghĩa là, những công ty làm ăn tốt phải đóng cửa chỉ vì không tìm được người lãnh đạo mới, Bộ Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản kết luận.

10 năm trước, theo các khảo sát của chính phủ Nhật, khoảng 70% doanh nghiệp đóng cửa có chủ nhân ở độ tuổi trên 60. Năm 2016, tỷ lệ này tăng lên trên 82%. Khoảng 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát có giám đốc điều hành (CEO) trên 60 tuổi cho biết họ đang tìm nhưng không thể tìm được người tiếp quản kinh doanh.

Cũng theo số liệu của chính phủ nước này, truyền thống kinh doanh cha truyền con nối trong nhiều thế hệ đang bị mất đi. Từ năm 1980, lượng trẻ em dưới 15 tuổi tại nước này đã giảm liên tục. Tỷ lệ của nhóm này trên tổng dân số cũng giảm hàng chục năm liên tiếp kể từ năm 1974.

“Đây là mối nguy tiềm tàng đối với khu vực kinh tế địa phương của Nhật. Chúng ta có nguy cơ đối mặt một điểm bùng phát khi lượng doanh nghiệp đóng cửa chạm một mức mà ở đó việc phục hồi an toàn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”, Michael Newman, chủ tịch hãng nghiên cứu Analogica có trụ sở tại Nhật, nhận định.

Mặt khác, một số doanh nghiệp thừa nhận họ cũng không thể tìm người kế nghiệp bên ngoài gia đình.

Là chủ một công ty thiết kế nền tảng video game và đồ họa có trụ sở tại Tokyo, mới đây, Yoji Nakaza đã tìm tới hãng môi giới Nihon M&A Center để tìm người mua lại công ty của mình.

Ông cho biết “khả năng con trai tôi tiếp quản việc kinh doanh là bằng không” và cũng không thể tìm được người nào bên ngoài gia đình cho vị trí lãnh đạo công ty.

“Nhân viên của tôi là những người có chuyên môn tốt nhưng họ lại không biết cách điều hành doanh nghiệp”, Nakaza nói.

“Miếng mồi” cho ngành môi giới mua bán, sáp nhập

Vài năm trở lại đây, ngành kinh doanh môi giới mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Nhật tăng trưởng đều đặn nhưng bắt đầu bùng nổ từ năm 2014 khi thế hệ “baby boom” (những người sinh ra trong những năm 1946 - 1964 - thời điểm tỷ lệ sinh của Nhật cao nhất) của giới chủ doanh nghiệp bắt đầu bước sang tuổi 80 và nhận ra họ không có ai để truyền lại sự nghiệp.

Trong cơn khủng hoảng “người kế nghiệp”, ngoài việc đóng cửa, những doanh nghiệp này còn một giải pháp nữa là tìm đến các hãng môi giới chuyên thực hiện các vụ mua bán, sáp nhập công ty nhỏ và vừa tại Nhật.

Đối với một số người thì những thương vụ mua lại này là tia hy vọng đối với những doanh nghiệp lâu đời đang khủng hoảng vì vấn đề già hóa dân số. Nhưng đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thì điều này lại không hề đơn giản.

Những thương vụ này mang lại lợi lộc lớn cho các đơn vị môi giới nhưng không thể giúp ngăn chặn làn sóng đóng cửa doanh nghiệp vì không có người nối nghiệp.

Tình trạng dân số già là vấn đề đáng quan ngại. Giới phân tích cho rằng tình trạng tỷ lệ sinh thấp trong nhiều thập kỷ đang biểu hiện những tác động rõ rệt. Việc “không có thế hệ sau” đang khiến nhiều gia đình gặp vấn đề trong việc tìm người kế nghiệp.

Còn giới trẻ - những người thừa kế - thường không muốn tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Họ muốn theo đuổi sự nghiệp của riêng mình, chuyển tới nơi khác sinh sống, đồng thời phải đối mặt với gánh nặng thuế nếu thừa kế gia sản (đặc biệt ở nông thôn), hoặc không thấy triển vọng trong việc phát triển lâu dài trong công ty nhỏ của gia đình.

Theo thống kê và nghiên cứu tình trạng di dân, 10 trên 47 tỉnh của Nhật Bản hiện có số dân giảm xuống dưới một triệu và không có dấu hiệu tăng trở lại.

Lượng thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp tăng vọt giúp ngành môi giới phát triển nở rộ. Làn sóng đóng cửa công ty vì thiếu người kế nghiệp là mối nguy với nền kinh tế nhưng lại là đòn bẩy cho các đơn vị môi giới mua bán doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn nhất của Nhật.

Theo Bloomberg, 3 công ty lớn nhất trong ngành này của Nhật thực hiện trung bình 10 giao dịch/

mỗi tuần.

Theo báo cáo tài chính gần nhất (kết thúc vào tháng 8/2016), lợi nhuận hoạt động của hãng môi giới Strike Co tăng trưởng 46% so với năm trước.

Đối thủ lớn của hãng này là Nihon M&A Center cũng tăng trưởng lợi nhuận 29% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2017. Còn M&A Capital Partners, hãng môi giới lớn thứ 3 tại Nhật, cũng tăng trưởng lợi nhuận gần 30%.

Đọc tiếp »

Start-up muốn xây dựng “Uber” trong ngành chăm sóc sức khoẻ

Theo báo cáo được đăng tải trên Tờ Today Online của Singapore, vào năm 2030, dân số già của nước này sẽ tăng lên 900.000 người. Khi đó, công nghệ hỗ trợ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ người già.

Nắm bắt được mong muốn được độc lập và tự kiểm soát những gì mình muốn của người lớn tuổi tại nhà, Homage - một trang web với ứng dụng điện thoại, cho phép kết nối họ với các chuyên viên chăm sóc sức khoẻ, tờ Inc. cho biết.

“Đây cũng chính là những gì chúng tôi muốn cho bản thân, cha mẹ, bạn bè và gia đình mình”, nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành (CEO) của Homage, Gillian Tee, cho biết. Phương châm kinh doanh của Tee là phát triển những công ty “giúp cải thiện cuộc sống và giúp mọi người có chất lượng cuộc sống tốt hơn”.

“Khi già đi, người ta thường mất dần sự tự chủ và cũng không còn tiếng nói trong gia đình, xã hội. Chúng tôi muốn mang đến cho họ những lựa chọn để được chăm sóc tại nơi mình muốn, đồng thời giúp những chuyên viên chăm sóc sức khoẻ có thêm thu nhập khi rảnh rỗi”, Tee cho biết.

Đi vào hoạt động năm 2016, Homage được thành lập bởi Tee và Lily Phang - một chuyên gia trong quản lý y tế tại châu Á. Trong năm đầu tiên, họ dành thời gian tìm hiểu nhu cầu của người lớn tuổi và gia đình họ. Họ thậm chí còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại gia miễn phí để tìm ra hình thức tốt nhất mà người lớn tuổi cần, Tea cho biết.

“Xây dựng một công ty từ con số không nghĩa là bạn phải xắn tay áo lên và xông xáo vào mọi ngóc ngách trong lĩnh vực đó. Lily thậm chí còn từng giúp một số khách hàng lớn tuổi thay tã”, đồng sáng lập Homage cho hay.

Khai phá ngành chăm sóc sức khoẻ tại nhà theo cách làm hoàn toàn mới, Homage mới đây nhận được khoản đầu tư 1,2 triệu USD từ các quỹ 500 Startups, Golden Gate Ventures và SeedPlus.

Homage cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách xây dựng một đội ngũ nhân viên y tế có kinh nghiệm trong nghề y tá và chăm sóc sức khoẻ.

Tee cho biết tỷ lệ chọn nhân viên y tế của Homage là dưới 10% tổng lượng người đăng ký bởi công ty muốn “chú trọng vào việc đào tạo chuyên viên y tế và sự chuyên nghiệp của dịch vụ.

Các ứng viên đăng ký phải trải qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt dưới sự giám sát của đội ngũ chuyên gia của Homage.

“Chúng tôi chỉ tuyển chọn người địa phương cư trú thường xuyên Singapore, bởi khi liên quan tới người lớn tuổi thì điều này vô cùng quan trọng. Chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ hoàn hảo mà bản thân mình cũng sẽ thấy yên tâm nếu cha mẹ mình là người sử dụng dịch vụ”, Tee nói.

Cầu nối giữa các chuyên gia y tế chất lượng cao của Homage và người lớn tuổi tại Singapore là công nghệ. Thông qua website và ứng dụng, Homage tự động hoá nhiều khâu từ tìm kiếm, kết nối, lên lịch cho tới chăm sóc.

“Chúng tôi cũng có công cụ kết nối và chat, cho phép người lớn tuổi và gia đình họ có thể quan sát quá trình chăm sóc sức khoẻ một cách trực quan mọi lúc mọi nơi. Chúng tôi cố gắng kết hợp những điều tốt nhất giữa nhân viên chăm sóc sức khoẻ và công nghệ để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho gia đình khách hàng và các tổ chức y tế hợp tác với mình”, cô nói thêm.

Theo Bộ Y tế Singapore, tình trạng già hoá dân số khiến nước này sẽ cần thêm 30.000 nhân viên chăm sóc y tế vào năm 2020. Khi đó, Homage đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường vốn luôn thiếu những doanh nhân trẻ với sản phẩm mới giúp giải quyết tình trạng dân số già.

“Vào năm 2030, cứ 4 người Sinagpore sẽ có một người ở đội tuổi trên 65. Trong thập kỷ tới, trung bình chỉ có hai người trưởng thành trong độ tuổi lao động chăm sóc cho một người già trên 65 tuổi. Điều này khiến cho những mô hình kinh doanh như của Homage trở nên hấp dẫn, không chỉ ở Singapore mà còn ở nhiều nước châu Á có chung tình trạng già hoá dân số”, Tee cho biết.

“Homage sẽ tiếp tục đầu tư vào đào tạo chuyên viên, quản lý và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm cho cả gia đình khách hàng và các chuyên viên y tế, giúp việc chăm sóc sức khoẻ ngày càng dễ dàng và thuận tiện. Điều quan trọng nữa là giúp gia đình chúng ta hạnh phúc hơn”, Tee cho biết thêm.

Đọc tiếp »

VietJet tính niêm yết cổ phiếu ở London, New York

Công ty Cổ phần Hàng không VietJet, hãng hàng không hiện kiểm soát khoảng một nửa thị trường bay nội địa của Việt Nam, đang trong quá trình đàm phán để trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên một sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài.

“Một số sở giao dịch chứng khoán nước ngoài, bao gồm London, Hồng Kông và Singapore, đã tiếp cận chúng tôi. Họ bày tỏ quan tâm đến cổ phiếu của chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc VietJet, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg tại Hà Nội ngày 28/5.

Bà Thảo cũng nói rằng bà sẽ có cuộc gặp với đại diện đến từ sàn giao dịch chứng khoán New York trong tuần này.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu VietJet ở nước ngoài được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam nới lỏng quy định để nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng đầu tư vào thị trường hàng không đang phát triển với tốc độ nhanh chóng của Việt Nam.

Hồi tháng 4, VietJet đã được cổ đông nhất trí cho phép tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% từ mức 30% hiện nay.

Kể từ khi bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán đến nay, giá cổ phiếu VietJet đã tăng 50%, so với mức tăng 5,5% của chỉ số Bloomberg Asia Pacific Airlines Index - một thước đo biến động giá cổ phiếu của các hãng hàng không trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Chúng tôi không muốn giấu diếm hy vọng của mình là trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài”, bà Thảo - nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam - cho biết.

Đọc tiếp »

Bộ Tài chính bác đề nghị giảm thuế của “đại gia” đồ uống Mỹ


Bộ Tài chính dẫn lại Điều 17, Điều 18 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp có quy định các dự án đầu tư thành lập cơ sở kinh doanh mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư, hợp tác xã được áp dụng thuế suất 20%, 15%, 10%.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở kinh doanh mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư và cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm theo quy hoạch, cơ sở kinh doanh di chuyển đến địa bàn khuyến khích đầu tư được miễn thuế tối đa là 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là 9 năm tiếp theo…

Còn theo Điều 18 việc niễn thuế, giảm thuế đối với các cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất…


Pepsico là tập đoàn đồ uống có lịch sử lâu đời của nước Mỹ. Thương hiệu này đã trải qua hơn 100 năm phát triển và thực hiện đầu tư ra toàn thế giới. Doanh thu thuần mỗi năm tập đoàn vượt 65 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Pepsico đầu tư

thông qua công ty con chi nhánh Singapore và hiện đã bán 51% cổ phần của Pepsico Việt Nam cho tập đoàn đồ uống của Nhật là Suntory.
Đọc tiếp »

Mỗi doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam chỉ có 10 nhân viên

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thông kê cho biết, trong tháng 5/2017, cả nước có 10.954 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 119.200 tỷ đồng, tăng 9,3% về số doanh nghiệp và tăng 17,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Trong tháng cũng có 1.913 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lên tới 5.332 doanh nghiệp, tăng 26,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 50.534 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 485.600 tỷ đồng, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Nếu tính cả 710.800 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thì 5 tháng đầu năm 2017 đã có 1,196 triệu tỷ đồng.

Có 13.458 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 64.000 doanh nghiệp.

Tổng số lao động của doanh nghiệp mới thành lập là 521.700 người, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân mỗi doanh nghiệp mới thành lập chỉ sử dụng khoảng 10,3 lao động tính cả ban lãnh đạo.

Các ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tăng gồm bất động sản, tài chính ngân hàng, phân phối dịch vụ điện nước và gas, du lịch, dịch vụ lưu trú, công nghiệp chế biến chế tạo và khai khoáng…

Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoàn tất giải thể trong 5 tháng đầu năm cũng lên tới 4.685, tăng 0,9% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng ở mức là 32.148 doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu là các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Đọc tiếp »

Tỷ phú địa ốc Trung Quốc “bỏ túi” gần 10 tỷ USD nhờ sốt nhà

Từ đầu năm tới nay, tài sản ròng của tỷ phú Hui Ka Yan, chủ tịch tập đoàn bất động sản China Evergrande, Trung Quốc, đã tăng gần 10 tỷ USD lên khoảng 21,3 tỷ USD, CNN dẫn số liệu từ hãng nghiên cứu Hurun Report Thượng Hải.

Tài sản của Hui Ka Yan tăng gần gấp đôi nhờ cổ phiếu Evergrande tăng gấp 3 kể từ đầu năm. Trong đó, kết thúc phiên giao dịch hôm qua (29/5), cổ phiếu này tăng kỷ lục 23% trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Hui Ka Yan hiện là cổ đông chính của Evergrande với 72% cổ phần, theo số liệu của FactSet. Còn theo Hurun, tỷ phú này cũng sở hữu nhiều tài sản khác với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD - trong đó bao gồm cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Evergrande Quảng Châu.

Theo Rupert Hoogewerf, nhà sáng lập của Hurun, việc tài sản của một tỷ phú tăng đột biến trong thời gian ngắn như vậy tại Trung Quốc là chuyện hiếm gặp. Một trường hợp hiếm hoi khác là tỷ phú Wang Wei với tài sản ròng tăng vọt lên 27,5 tỷ USD hồi tháng 3 vừa rồi khi công ty vận chuyển SF Express của ông niêm yết cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán Thâm Quyến.

Sau phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu bất động sản đã mang về cho 3 tỷ phú Hui Ka Yan, Yang Huiyan và Wu Yajun tổng cộng 5,4 tỷ USD. Trong đó, Yang Huiyan của công ty bất động sản Country Garden Holdings Co. có thêm 1,3 tỷ USD, còn Wu Yajun của Longfor Properties Co. có thêm 400 triệu USD, theo số liệu của Bloomberg. Còn Hui Ka Yan kiếm bộn nhất khi cổ phiếu của Evergrande tăng tới 23%.

Mới đây, Evergrande cũng chi một khoản lớn để mua lại cổ phiếu từ nhà đầu tư cho kế hoạch niêm yết tại thị trường đại lục Trung Quốc. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu công ty này tăng vọt.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính bền vững trong mô hình kinh doanh của Evergrande, vốn phất lên với “núi” nợ khổng lồ, Bloomberg cho biết. Tính đến cuối năm 2016, nợ ròng của công ty này lên tới 49,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.

Trong một báo cáo công bố tháng trước, hãng xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo chi phí lãi cùng cổ tức chi trả cho cổ đông cao có thể sẽ khiến gây áp lực lớn cho công ty này.

2017 là năm bội thu của cổ phiếu bất động sản Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm tới các công ty bất động sản như Evergrande với nhiều dự án tại các thành phố nhỏ ở nước này, Andrew Sullivan thuộc công ty chứng khoán Haitong Securities International ở Hồng Kông, cho biết.

Giới chức trách Trung Quốc cũng đã phải đưa ra nhiều chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường tại các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Tháng trước, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt. Trong tháng 4, giá nhà đất tại các thành phố này chỉ tăng khoảng 0,3%, bằng một nửa so với tốc độ tăng của tháng trước đó, theo Wall Street Journal.

Đọc tiếp »

Start-up Nhật “đi ra thế giới” chỉ với 34 nhân sự

Peatix là sàn tổ chức sự kiện và đặt vé ra đời tại Tokyo, Nhật Bản. Công ty này cung cấp cho đơn vị tổ chức sự kiện, quảng cáo và bán vé tham gia. Sau 6 năm, Peatix đã mở rộng ra 5 thị trường quốc tế với đội ngũ khiêm tốn 34 người.

Theo trang Tech In Asia, Peatix được thành lập bởi Taku Harada cùng các đồng nghiệp từng làm tại Amazon Nhật Bản vào tháng 5/2011.

Năm 2013, công ty này ra mắt tại Singapore và New York. Hiện nay, khoảng 30-40% việc kinh doanh của Peatix nằm ở bên ngoài nước Nhật. Công ty này dự định sẽ mở rộng ra nhiều thành phố khác tại châu Á và trước mắt là kế hoạch ra mắt tại Hồng Kông vào cuối tháng 5.

Muốn "ra biển lớn" từ ngày đầu

Taku Harada, hiện là Giám đốc điều hành (CEO), cho biết ngay từ khi thành lập, Peatix đã khác với công ty khởi nghiệp thông thường ở Nhật bởi với đội ngũ nhân viên quốc tế. Do đó, mở ra toàn cầu là mục tiêu của công ty này ngay từ ngày đầu tiên.

"Tiềm năng của chúng tôi sẽ không được biết đến nếu chỉ tập trung ở Nhật”, Harada cho biết.

Điểm đến đầu tiên của Peatrix là Singapore, được công ty này đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của Đông Nam Á. Dịch vụ của Peatix từ đầu đã được đồng bộ bằng tiếng Anh nên việc mở rộng sang thị trường này khá suôn sẻ.

Tại đây, Peatrix gặt hái được nhiều thành công với hàng nghìn sự kiện được tạo qua trang web và được điều hành chỉ với 6 người. Hiện công ty này phát triển khá ổn định tại thị trường Singapore và Malaysia.

Tại Hồng Kông, Peatrix bổ sung thêm ngôn ngữ thứ ba là tiếng Trung Quốc - đánh dấu bước ngoặt đáng kể cho công ty này.

“Chúng tôi tích lũy kinh nghiệm khi làm việc tại Amazon và vận dụng vào việc điều hành Peatix. Chúng tôi cố gắng phát triển trong phân khúc "ngách" với cơ cấu vốn hiệu quả đồng thời tiến tới xây dựng một sàn điện tử toàn cầu hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, Harada chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư truyền thống cho rằng Peatix nên phát triển lớn mạnh ở Nhật Bản trước rồi mới nghĩ tới chuyện đi ra quốc tế. Theo Harada, đứng ở góc độ tài chính, việc phát triển ở một thị trường lớn sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, với đội ngũ có tư tưởng toàn cầu, Peatix quyết định làm khác đi.

“Những công ty ra đời ở các thị trường nội địa nhỏ bé buộc phải nghĩ lớn vượt qua biên giới ngay từ ngày đầu thành lập, ví dụ như Skype, Spotify, hay Grab”, Harada cho biết.

Trước khi gia nhập một thị trường mới, Peatix nghiên cứu về quy mô dân số, truyền thông xã hội, thói quen dùng di động và cơ sở hạ tầng thanh toán… đặc biệt là xu hướng tiêu dùng trực tuyến và hình thức thanh toán mà người dân ở đây mong muốn.

Ví dụ, tại Nhật Bản, không phải ai cũng muốn sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, vì vậy, Peatix đã đưa ra một lựa chọn là thanh toán bằng tiền mặt tại cửa hàng tiện lợi.

Về mặt marketing, Peatix hướng tới đối tượng bình dân và tập trung vào thị trường “ngách” mà các hãng lớn bỏ qua.

“Xây dựng cộng đồng là yếu tố then chốt. Chúng tôi xây dựng mối quan hệ với các cộng đồng khác nhau và khi đã là một phần của nó, marketing theo kiểu truyền miệng sẽ ngày càng hiệu quả”, Harada cho biết.

Cụ thể, khi gia nhập một thị trường mới, Peatix chú trọng vào một danh mục sự kiện cụ thể. Ví dụ cộng đồng giới công nghệ thường muốn nắm bắt các công nghệ mới và tổ chức rất nhiều sự kiện. Kế đến là các sự kiện văn hóa như âm nhạc, điện ảnh hoặc ẩm thực. Với mỗi danh mục, công ty này kiên trì xây dựng mối quan hệ với các cộng đồng nhằm nâng cao nhận diện thương hiệu thông qua hình thức truyền miệng.

Không quản lý tiểu tiết

Chia sẻ về quản lý công ty ở các thị trường khác nhau, Harada cho biết anh tin tưởng tuyệt đối và trao quyền cho đội ngũ nhân viên của mình.

“Họ được tự đưa ra quyết định. Ở cương vị giám đốc điều hành, tôi đưa ra một bức tranh tổng thể, cung cấp thông tin về các tính năng mới, còn các chi nhánh địa phương chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược triển khai của riêng mình”, Harada cho biết.

“Là một quản lý, tôi cần phải cho thấy rằng mình có quan tâm tới chi tiết và sẽ đào sâu khi cần thiết nhưng tôi không muốn quá nhỏ nhặt và manh mún. Lý do mọi người làm việc tại các công ty khởi nghiệp là họ muốn có quyền và được quyền đưa ra quyết định”, Harada chia sẻ thêm.

“Bạn phải để cho nhân viên của mình làm việc độc lập mà không can thiệp quá sâu. Không phải việc gì bạn cũng giỏi”, Harada cho cho biết.

Hiện Peatix có một đội ngũ chỉ 34 nhân viên thường xuyên trao đổi với nhau. Công ty này tìm kiếm những người có tư duy toàn cầu và chủ động trong công việc. Quản lý của văn phòng địa phương phải là người thông thạo tiếng bản địa và tiếng Anh.

Vì công ty hoạt động trải rộng ở nhiều thành phố từ Tokyo tới New York, tiêu chí chọn quản lý cho chi nhánh tại các thị trường quốc tế của Peatrix là những người có khả năng làm việc độc lập, giao tiếp tốt và có kỹ năng quản lý vững vàng.

“Chúng tôi không chỉ tuyển những người thông minh mà còn là những người tốt. Đó là lý do sau 6 năm chúng tôi mới chỉ có một đội ngũ khiêm tốn với 34 người”, Harada chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Harada, khi công ty mở rộng hơn về quy mô và đội ngũ nhân sự cũng nhiều lên, Peatix sẽ cần tới những quản lý tầm trung với kinh nghiệm dày dặn hơn.

Theo Harada, ở cương vị điều hành, có ba điều anh cần làm. Thứ nhất là đảm bảo công ty không cạn tiền. Thứ hai là tuyển đúng người đùng việc. Và cuối cùng là liên tục nhấn mạnh tầm nhìn lớn hơn cho đội ngũ của mình.

Anh cũng cho rằng, đối với một công ty khởi nghiệp, việc làm liều và đánh đổi rủi ro là điều cần thiết nhưng không bao giờ được đánh cược toàn bộ sự sinh tồn của công ty vào điều gì đó.

Đọc tiếp »

Kiếm triệu “đô” sau ba tháng bán hàng qua mạng

Với số vốn 200 USD, doanh nhân 33 tuổi Trevor Chapman, sống tại Mỹ, thành lập trang web LDSman.com, chuyên bán các loại hàng “độc, lạ” từ Trung Quốc như quần jeans Kevlar, kem đánh răng từ than củi, ghế hơi…và thu về 1 triệu USD chỉ sau 3 tháng.

Chỉ trong 3 tháng, từ việc dành 12 tiếng mỗi ngày làm việc tại công ty lắp tấm năng lượng mặt trời, Chapman chỉ dành 1,5 tiếng mỗi tuần chotrang web của mình khi doanh số của trang bắt đầu chạm ngưỡng 1 triệu USD, hãng tin CNBC cho biết.

Kiếm tiền khi đang ngủ

Theo Chapman, kinh doanh qua mạng là cơ hội tuyệt vời cho mọi người để có thể vừa kiếm tiền, vừa có thể tự chủ về thời gian, thậm chí với những người không có kinh nghiệm như anh.

“Hè này, gia đình tôi sẽ dành ba tháng đi du lịch”, Chapman nói và cho biết đây là điều anh luôn muốn thực hiện mà chưa làm được. “Trước đây, tôi luôn phải bù đầu với công việc để kiếm từng đồng”.

Không thỏa mãn với việc điều hành công ty lắp tấm năng lượng mặt trời, Chapman ngộ ra từ câu nói của tỷ phú huyền thoại Warren Buffett: “Nếu bạn không tìm ra cách kiếm tiền khi đang ngủ, bạn sẽ phải làm việc cho tới tận lúc lìa đời”.

Anh nhận ra cách tốt nhất để kiếm tiền “khi đang ngủ” chính là bán hàng qua mạng. Theo báo cáo của Hội Thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ qua mạng toàn cầu năm 2016 tăng 20% lên 2,3 nghìn tỷ USD, từ mức 1,9 nghìn tỷ năm 2015.

Nhưng trước khi bỏ công việc đang làm để chuyển qua bán hàng trên mạng, Chapman đã tìm cách thử xem khả năng thành công của bản thân với việc này như thế nào.

“Dù cơ hội tốt nhưng bạn không nhất thiết phải đánh đổi công việc toàn thời gian của mình để làm điều đó”, doanh nhân 33 tuổi chia sẻ.

Mỗi đêm, anh dành khoảng vài tiếng đồng hồ cho dự án khởi nghiệp của mình với chi phí tối thiểu. Trước tiên là tên miền với mức phí 2,99 USD/năm và lập một tài khoản Shopify với bản dùng thử giá 14 USD. Thứ đắt nhất Chapman phải đầu tư là ngân sách quảng cáo qua Facebook 100 USD/ngày. Trang LDSman.com chính thức hoạt động vào 11/11/2016.

Ban đầu, Chapman đã chọn sai mặt hàng để bán. “Ban đầu, tôi bán sản phẩm nghệ thuật nhưng có vẻ chúng không đủ hấp dẫn để tăng lượng truy cập vào trang web”, anh chia sẻ.

Sau đó, anh thay đổi chiến lược với những sản phẩm “độc và lạ” để kéo khách hàng vào trang. Sản phẩm được chọn là ghế hơi vốn đang nổi như cồn trên các cửa hàng trực tuyến. Từ các nhà cung cấp trên trang Alibaba và Aliexpress của Trung Quốc, Chapman lấy được những chiếc ghế hơi có giá 4,99 USD và bán lại với giá 59,99 USD.

Để tránh chi phí và rủi ro khi trữ hàng, anh thỏa thuận với nhà cung cấp (qua ứng dụng tin nhắn phổ biến WeChat của Trung Quốc) để hàng được chuyển thẳng từ nhà máy tại Trung Quốc tới tay khách hàng tại Mỹ.

Hình thức giao hàng này cũng có nhiều lợi ích khác. Ví dụ như thông qua chương trình ePacket, thỏa thuận giữa Dịch vụ bưu điện Mỹ và các đơn vị của nước ngoài nhằm khuyến khích thương mại điện tử, LDSman thậm chí còn được hưởng phí giao hàng rẻ hơn dù thời gian hơi lâu.

Chi phí vận chuyển một ống kính dùng ngoài cho iPhone từ Thượng Hải là 2,28 USD, rẻ hơn khoảng 5 USD so với gói hàng tương tự vận chuyển trong nội địa Mỹ.

Từ chối lời mời thâu tóm

Sau đó, đơn hàng không ngừng tăng lên. Chỉ trong 2 tuần sau đó, Chapman đã kiếm được 10.000 USD đầu tiên.

Khi doanh thu tăng lên, Chapman thuê một nhóm người làm nghề tự do tại Phillipines để đảm trách việc chăm sóc khách hàng. Anh trả cho mỗi người 700 USD/tháng (thấp hơn nhiều so với mức trung bình ở Mỹ và cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình Philippines). Chapman cũng bắt đầu rót ngân sách vào quảng cáo để thúc đẩy doanh thu.

Tuy nhiên, gần hai tháng sau, nhà cung cấp Trung Quốc đánh tráo ghế hơi Chapman đặt bằng loại rẻ tiền chất lượng kém. Khi khách hàng bắt đầu phàn nàn, LDSman đã lập tức thay thế khoảng 1.500 cái. Đây là bài học xương máu của Chapman trong việc đánh giá và thỏa thuận với nhà cung cấp. Dù vậy, hiện tỷ suất lợi nhuận trước thuế của LDSman là gần 48%.

Sẵn máu kinh doanh, Chapman bắt đầu những cơ hội khác. Anh mua lại một nhà kho rộng hơn 800m2 tại thành phố Salt Lake và thuê 5 nhân viên toàn thời gian, giúp đưa việc kinh doanh của LDSman lên tầm cao mới.

Chapman bỏ việc tại công ty tấm năng lượng mặt trời và dành khoảng một giờ mỗi tuần để làm việc tại nhà này, cùng nhân viên ở đây cập nhật các quảng cáo trên Facebook.

Chỉ sau 92 ngày, LDSman đạt được doanh thu 1 triệu USD và nhận được quan tâm của quỹ đầu tư mạo hiểm Clarke Capital. Tuy nhiên, Chapman đã từ chối lời mời bán công ty với giá 3 triệu USD bởi anh muốn duy trì sự động lập và có thêm thời gian, thu nhập để theo đuổi các dự án của riêng mình.

Chapman cho biết mới đây LDSman đã chạm mức 2 triệu doanh thu sau 6 tháng hoạt động. Hiện doanh thu mỗi tháng của công ty này là 350.000 USD. Anh cũng tham gia dạy các khóa học về thương mại điện tử trực tuyến.

Với kinh nghiệm buôn bán hàng Trung Quốc, Chapman cùng với em rể thành lập một công ty vận tải, tận dụng không gian miễn phí trên các chuyến bay chuyển tiếp, đa số của hãng hàng không Delta Airlines, để chuyển hàng từ châu Á sang Mỹ với giá rẻ hơn. Trong năm đầu tiên, công ty này đã thu về 10 triệu USD.

Đọc tiếp »

Vietjet ký hợp đồng 4,7 tỷ USD trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

Ngày 31/5, tại Washington D.C, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã chứng khoán VJC) và công ty CFM International đã ký hợp đồng cung cấp 215 động cơ máy bay dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur L. Ross, Jr.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet hy vọng việc ký kết hợp đồng trên sẽ thúc đẩy phát triển giao thương Việt - Mỹ, tạo việc làm nhiều hơn nữa cho người dân hai nước. Hợp đồng có trị giá 3,58 tỷ USD và được thực hiện trong vòng 12 năm, gồm 215 động cơ và nhiều kỹ thuật, bảo dưỡng toàn diện.

“Dòng động cơ chúng tôi lựa chọn giúp tiết kiệm tới 15% lượng nhiên liệu tiêu hao, kèm theo các dịch vụ toàn diện về bảo dưỡng, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo. Với sự hợp tác này, đội máy bay Vietjet sẽ có những bước đột phá về công nghệ thế hệ mới, giúp nâng chất lượng chuyến bay và tăng độ tin cậy khai thác, đồng thời giảm các chi phí vận hành”, bà Thảo nói.

Cũng trong dịp này, Vietjet và công ty GECAS thuộc tập đoàn GE đã ký bản ghi nhớ hợp đồng cung cấp tài chính Thuê mua tàu bay trị giá 1 tỷ USD cho 10 máy bay mà Vietjet đặt hàng từ các nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, Vietjet cũng đã ký kết với tập đoàn Honeywell Aviation hợp đồng cung cấp và bảo dưỡng kỹ thuật động cơ phụ (APU) cho 98 tàu bay trị giá 180 triệu USD. Thoả thuận này sẽ giúp đội bay của Vietjet được bảo dưỡng theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.

Như vậy, tổng giá trị các hợp đồng, thoả thuận Vietjet ký kết trong chuyến đi lên tới 4,7 tỷ USD.

Vietjet thành lập vào năm 2007 và chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12 năm 2011. Trong 5 năm hoạt động, Vietjet đã vận chuyển trên 35 triệu lượt hành khách.

Hiện tại, Vietjet khai thác 45 tàu bay A320 và A321, thực hiện trên 300 chuyến bay mỗi ngày với 63 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Với mục đích mở rộng thị trường vận chuyển, Vietjet đang dự tính thực hiện kế hoạch là hãng bay đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài. Sàn chứng khoán London (Anh) đang được Vietjet cân nhắc.

Đọc tiếp »

Ông chủ AirAsia và bài học “làm những điều chưa ai làm”

Gần 20 năm trước, Đông Nam Á hầu như không có hãng hàng không giá rẻ nào. Nhưng hiện nay, các hãng giá rẻ lại chiếm hơn một nửa các chuyến bay trong khu vực này. Theo trang Tech In Asia, đi đầu sự bùng nổ của hàng không giá rẻ phải kể đến doanh Anthony Fernandes - người đứng sau thương hiệu AirAsia.

Là cựu nhân viên của Warner Music, năm 2001, Fernandes mua lại AirAsia khi đó đang hấp hối từ chính phủ Malaysia với giá 1 Ringgit và biến nó trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Đông Nam Á.

Từ một hãng hàng không chỉ có 2 máy bay, 250 nhân viên cùng khối nợ hàng chục triệu USD, AirAsia đã vươn lên tầm cao mới và hiện sở hữu 220 phi cơ, 20.000 nhân viên cùng 65 triệu khách hàng mỗi năm.

Lợi dụng sức mạnh của Internet và công nghệ

Theo Tech In Asia, AirAsia hiện là một trong những hãng hàng không giá rẻ hàng đầu thế giới. Năm 2017, AirAsia là hãng giá rẻ Đông Nam Á đầu tiên được giới chức Mỹ bật đèn xanh mở đường bay tới nước này.

Tuy nhiên, hành trình để đi đến thành công đó không hề dễ dàng và cũng từ đó, Fernandes đã rút ra nhiều bài học quý giá trên con đường xây dựng thương hiệu hàng không giá rẻ đầu tiên tại Đông Nam Á.

Fernandes thừa nhận rằng ông từng lo sợ sẽ thất bại khi mua lại AirAsia. “Tôi không sợ bản thân thất bại, mà sợ sẽ khiến 250 nhân viên phải thất vọng. Nếu chúng tôi thất bại, họ sẽ thất nghiệp”.

Giống như mọi công ty khởi nghiệp, AirAsia luôn thiếu tiền và Fernandes mỗi ngày đều phải “gõ đầu” giám đốc tài chính (CFO) của mình.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ xa hơn một tuần bởi chúng tôi không có nhiều tiền mặt. Chúng tôi cũng không có kinh nghiệm, trong khi chỉ có 2 máy bay để cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn nhiều”, Fernandes cho biết.

Ông có gắng tìm nguồn vốn, vay thế chấp, tín dụng từ ngân hàng nhưng không mấy thành công. Khi đó, không ai sẵn sàng cho một gã mới rời ngành âm nhạc và quyết định xây dựng một hãng hàng không.

“Internet chính là cứu tinh của chúng tôi”, Fernandes cho biết.

Nhờ bán vé trước qua mạng, AirAsia có tiền để xoay vòng và phát triển dần dần tới khi đủ điều kiện vay tiền từ ngân hàng. Hình thức này cũng cho phép hãng bán vé trực tiếp tới tay khách hàng, bỏ qua các kênh phân phối truyền thống và giảm chi phí.

Fernandes cho biết hiện doanh thu từ bán vé trực tuyến chiếm tỷ lệ lớn trong tổng doanh thu của AirAsia, mang về hơn 1,5 tỷ USD cho hãng này trong năm ngoái.

Hiện nay, kinh doanh trực tuyến vẫn là “xương sống” trong hoạt động của AirAsia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn và giá vé ngày càng rẻ hơn. Phần lớn doanh thu của hãng đến từ các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ bán trực tuyến như hành lý ký gửi, bữa ăn, Wifi, đặt phòng khách sạn, thuê xe, tích lũy dặm bay…

Tuy nhiên, từ những ngày đầu, việc thu hút mọi người mua vé máy bay qua mạng không phải dễ dàng.

“Có sẵn Internet nhưng không phải ai cũng có thẻ tín dụng để mua hoặc sẵn sàng dùng nó”, Fernandes cho biết.

“Đây là một thách thức nhưng chẳng có gì một sản phẩm tốt không làm được. Tôi biết rõ người Malaysia. Nếu bạn đưa cho họ một sản phẩm tốt, họ sẽ tìm ra cách để mua nó. Họ sẽ dùng thẻ tín dụng của bà mình ở Mỹ để mua. Họ luôn tìm ra cách”, Fernandes nói thêm.

Làm những điều chưa ai làm

Dịch SARS bùng nổ hồi năm 2002 không khiến AirAsia ảnh hưởng nhiều. Thời điểm đó, khi khách hàng e sợ việc di chuyển bằng đường hàng không, Fernandes đã nhìn ra cơ hội để xây dựng thương hiệu AirAsia.

“Tôi đã yêu cầu đội marketing tăng gấp 3 ngân sách quảng cáo. Và họ đã hỏi liệu có phải tôi uống nhầm thuốc hay không”, Fernandes chia sẻ.

“Nhưng bởi vì không có hãng nào quảng cáo vào thời điểm đó, nên tôi làm, bằng cách giảm giá vé”, ông nói thêm.

“Tôi hiểu rõ người Malaysia - nếu bạn đưa ra mức giá đủ thấp, họ sẽ đánh liều mạng sống của mình”.

Ban đầu, AirAsia tập trung vào chinh phục thị trường Malaysia. “Bạn phải nắm trong tay thị trường nội địa trước”, Fernandes cho biết.

Sau đó, Fernandes nhìn thấy cơ hội lớn ở các thị trường Đông Nam Á khác mà chưa có hãng hàng không giá rẻ nào khai thác.

“Tất cả các hãng đều tập trung vào Ấn Độ, Trung Quốc… Nhưng tôi cho rằng tại sao lại bỏ qua thị trường 700 triệu dân này nhỉ”, Fernandes nhớ lại.

Nhờ vậy, AirAsia có được lợi thế của người tiên phong khi mở những đường bay chưa có hãng này khai thác.

“Chúng tôi có đường bay tới Bandung của Indonesia mà khi đó chưa hãng nào khai thác. Hiện AirAsia có 32 chuyến bay tới Bandung mỗi ngày và cũng đã có nhiều hãng khai thác đường bay này”, Fernandes cho biết.

Từ ASEAN, AirAsia mở rộng ra Ấn Độ, rồi Trung Quốc. Hiện hãng này cũng khai thác các đường bay dài dưới tên thương hiệu AirAsia X tới Trung Đông, Australia và châu Âu.

Ít người biết rằng ông chủ của AirAsia từng theo học ngành kế toán. Trước khi làm trong ngành âm nhạc và hàng không, Fernandes làm vị trí kế toán tại công ty của tỷ phú Anh Richard Branson - người sở hữu tập đoàn Virgin Group, công ty mẹ của hãng hàng không Virgin Atlantic. Đây cũng là tiền đề cho những gì Fernandes làm sau này.

Khi phỏng vấn xin việc tại Virgin, Fernandes đã bị từ chối nhưng Branson tình cờ có mặt và cho ông một cơ hội. Họ bắt đầu nói chuyện và thấy được tố chất đặc biệt ở ứng viên người Malaysia này nên nhận ông vào làm việc. Nhiều năm sau đó, Branson đã cùng Fernandes xây dựng thương hiệu AirAsia X.

Ngoài đam mê hàng không, Fernandes còn đặc biệt yêu thích bóng đá và đó là lý do ông mua lại câu lạc bộ bóng đá Queens Park Rangers vào năm 2011 dù việc kinh doanh không mấy suôn sẻ.

“Mỗi người chỉ sống một lần và tôi muốn sống một cuộc đời trọn vẹn. Nếu chẳng may ngày mai tôi chết đi, tôi sẽ không còn gì hối hận bởi tôi đã sống hết mình”, Fernandes chia sẻ.

Đọc tiếp »