Khủng hoảng người kế nghiệp “nhấn chìm” doanh nghiệp lâu đời Nhật

Cuối năm 2016, sau 8 thập kỷ kinh doanh, Hideaki Ishiwata cuối cùng cũng quyết định đóng cửa siêu thị Maruki do ông nội mình thành lập và đã trải qua 3 thế hệ của gia đình. Con trai của ông Ishiwata không có hứng thú với việc tiếp quản việc kinh doanh và ông không có người kế nghiệp nào khác, còn khách hàng thì đang giảm dần.

Theo hãng tin Bloomberg, công ty nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ tới 99% doanh nghiệp Nhật và sử dụng 70% lực lượng lao động nước này. Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của ông chủ các công ty này đã tăng lên 59 tuổi và đa số doanh nghiệp này thấy không được hưởng gì từ chính sách phục hồi kinh tế của chính phủ nước này.

Trong hai mươi năm tới, cơn lốc đóng cửa sẽ tràn tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nhật bởi những ông chủ già nua không thể tìm được người tiếp quản kinh doanh, Bloomberg dẫn nhận định của giáo sư, nhà kinh tế học Toshiya Miyawaki của đại học Tokuyama, cho hay.

Không người kế nghiệp

Từ năm 2007 đến 2016, số lượng công ty tuyên bố phá sản tại Nhật giảm 40%, trong khi đó, tỷ lệ công ty tự tuyên bố đóng cửa lại tăng với tỷ lệ tương đương (gần 30.000 trong năm 2016).

Theo ông Miyawaki, xu hướng tự đóng cửa là điều đáng lo ngại hơn. Trong một khảo sát tháng 4 vừa qua của chính phủ thực hiện với các công ty tự tuyên bố đóng cửa, 37% doanh nghiệp cho biết nguyên nhân của việc này là tình trạng kinh doanh tồi tệ và 33% cho biết họ không tìm được người kế nghiệp.

Theo nhà phân tích Sakamaki thuộc tập đoàn tài chính Nomura, tới năm 2040, mỗi năm sẽ có khoảng 40.000 công ty lâu đời của Nhật phải chật vật tìm người lãnh đạo mới.

Đa số sẽ chọn phương án đơn giản là đóng cửa, giới phân tích nhận định. Và khi có ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng cửa, cơ hội để thu hút những người kế nghiệp từ thành phố về quê hương để tiếp quản gia nghiệp sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Tuy vậy, điều đáng nói là đa số những doanh nghiệp này thuộc loại “có lợi nhuận” hoặc “lợi nhuận cao”. Như vậy có nghĩa là, những công ty làm ăn tốt phải đóng cửa chỉ vì không tìm được người lãnh đạo mới, Bộ Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản kết luận.

10 năm trước, theo các khảo sát của chính phủ Nhật, khoảng 70% doanh nghiệp đóng cửa có chủ nhân ở độ tuổi trên 60. Năm 2016, tỷ lệ này tăng lên trên 82%. Khoảng 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát có giám đốc điều hành (CEO) trên 60 tuổi cho biết họ đang tìm nhưng không thể tìm được người tiếp quản kinh doanh.

Cũng theo số liệu của chính phủ nước này, truyền thống kinh doanh cha truyền con nối trong nhiều thế hệ đang bị mất đi. Từ năm 1980, lượng trẻ em dưới 15 tuổi tại nước này đã giảm liên tục. Tỷ lệ của nhóm này trên tổng dân số cũng giảm hàng chục năm liên tiếp kể từ năm 1974.

“Đây là mối nguy tiềm tàng đối với khu vực kinh tế địa phương của Nhật. Chúng ta có nguy cơ đối mặt một điểm bùng phát khi lượng doanh nghiệp đóng cửa chạm một mức mà ở đó việc phục hồi an toàn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”, Michael Newman, chủ tịch hãng nghiên cứu Analogica có trụ sở tại Nhật, nhận định.

Mặt khác, một số doanh nghiệp thừa nhận họ cũng không thể tìm người kế nghiệp bên ngoài gia đình.

Là chủ một công ty thiết kế nền tảng video game và đồ họa có trụ sở tại Tokyo, mới đây, Yoji Nakaza đã tìm tới hãng môi giới Nihon M&A Center để tìm người mua lại công ty của mình.

Ông cho biết “khả năng con trai tôi tiếp quản việc kinh doanh là bằng không” và cũng không thể tìm được người nào bên ngoài gia đình cho vị trí lãnh đạo công ty.

“Nhân viên của tôi là những người có chuyên môn tốt nhưng họ lại không biết cách điều hành doanh nghiệp”, Nakaza nói.

“Miếng mồi” cho ngành môi giới mua bán, sáp nhập

Vài năm trở lại đây, ngành kinh doanh môi giới mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Nhật tăng trưởng đều đặn nhưng bắt đầu bùng nổ từ năm 2014 khi thế hệ “baby boom” (những người sinh ra trong những năm 1946 - 1964 - thời điểm tỷ lệ sinh của Nhật cao nhất) của giới chủ doanh nghiệp bắt đầu bước sang tuổi 80 và nhận ra họ không có ai để truyền lại sự nghiệp.

Trong cơn khủng hoảng “người kế nghiệp”, ngoài việc đóng cửa, những doanh nghiệp này còn một giải pháp nữa là tìm đến các hãng môi giới chuyên thực hiện các vụ mua bán, sáp nhập công ty nhỏ và vừa tại Nhật.

Đối với một số người thì những thương vụ mua lại này là tia hy vọng đối với những doanh nghiệp lâu đời đang khủng hoảng vì vấn đề già hóa dân số. Nhưng đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thì điều này lại không hề đơn giản.

Những thương vụ này mang lại lợi lộc lớn cho các đơn vị môi giới nhưng không thể giúp ngăn chặn làn sóng đóng cửa doanh nghiệp vì không có người nối nghiệp.

Tình trạng dân số già là vấn đề đáng quan ngại. Giới phân tích cho rằng tình trạng tỷ lệ sinh thấp trong nhiều thập kỷ đang biểu hiện những tác động rõ rệt. Việc “không có thế hệ sau” đang khiến nhiều gia đình gặp vấn đề trong việc tìm người kế nghiệp.

Còn giới trẻ - những người thừa kế - thường không muốn tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Họ muốn theo đuổi sự nghiệp của riêng mình, chuyển tới nơi khác sinh sống, đồng thời phải đối mặt với gánh nặng thuế nếu thừa kế gia sản (đặc biệt ở nông thôn), hoặc không thấy triển vọng trong việc phát triển lâu dài trong công ty nhỏ của gia đình.

Theo thống kê và nghiên cứu tình trạng di dân, 10 trên 47 tỉnh của Nhật Bản hiện có số dân giảm xuống dưới một triệu và không có dấu hiệu tăng trở lại.

Lượng thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp tăng vọt giúp ngành môi giới phát triển nở rộ. Làn sóng đóng cửa công ty vì thiếu người kế nghiệp là mối nguy với nền kinh tế nhưng lại là đòn bẩy cho các đơn vị môi giới mua bán doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn nhất của Nhật.

Theo Bloomberg, 3 công ty lớn nhất trong ngành này của Nhật thực hiện trung bình 10 giao dịch/

mỗi tuần.

Theo báo cáo tài chính gần nhất (kết thúc vào tháng 8/2016), lợi nhuận hoạt động của hãng môi giới Strike Co tăng trưởng 46% so với năm trước.

Đối thủ lớn của hãng này là Nihon M&A Center cũng tăng trưởng lợi nhuận 29% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2017. Còn M&A Capital Partners, hãng môi giới lớn thứ 3 tại Nhật, cũng tăng trưởng lợi nhuận gần 30%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét