Việt Nam tăng đột biến lập doanh nghiệp nhờ hai luật mới

Sau một năm thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị tổng kết một năm thi hành hai luật này vào sáng 20/9 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2015 có khoảng 95.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Và nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có thể có trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm.

Ông Tuấn cho rằng con số doanh nghiệp đăng ký và thành lập mới tăng đột biến đã cho thấy những hiệu quả bước đầu của hai luật trên.

Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, tính đến thời điểm này trong năm nay, Việt Nam có 23.950 doanh nghiệp tăng vốn điều lệ với tổng số vốn 690.000 tỷ đồng.

Về doanh nghiệp FDI, trong một năm qua, Việt Nam có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới, với trên 68.000 tỷ đồng vốn đăng ký.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, hai luật nói trên đã giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí để doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tỷ lệ trả hồ sơ đúng hẹn, hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tăng cao.

Cụ thể, trên cả nước có 86% hồ sơ thành lập doanh nghiệp được chấp nhận ngay lần đầu tiên, và 89% hồ sơ được trả đúng hẹn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự thay đổi đáng kể nhất là ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương.

Trung bình thời gian xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp của cả nước là 2,9 ngày, trong đó, Tiền Giang là địa phương xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh nhanh nhất cả nước với 1,3 ngày, tiếp đến là Hậu Giang với 1,32 ngày, và Đà Nẵng với 2,52 ngày.

Ông Tuấn cho rằng, với việc giải phóng quyền tự do kinh doanh như trên, Luật Doanh nghiệp đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo ra làn sóng gia nhập thị trường trong cộng đồng doanh nghiệp.

Nhận xét chung về tình hình thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng những con số được tổng kết sau một năm thực thi hai luật trên là thực sự ấn tượng.

“Qua tổng kết này, một lần nữa chúng ta khẳng định Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã thực sự đi vào cuộc sống, và những con số kể trên chính là câu trả lời cho những thắc mắc băn khoăn trong quá trình xây dựng luật”, Thứ trưởng bình luận.

Đọc tiếp »

“SCIC sắp bán cổ phần 10% trong Vinamilk”

Chính phủ đã mời một số ngân hàng đầu tư nước ngoài tư vấn về việc bán lại cổ phần Nhà nước trong Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) - nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng Reuters. Đây được xem là một trong những tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh tiến trình thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp chủ chốt.

Reuters cho biết, Cresit Suisse, JPMorgan Chase, Nomura Holding và công ty tư vấn Rothschild là vài trong số những cái tên gần đây nhận được lời đề nghị tư vấn từ Chính phủ Việt Nam.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện đang nắm cổ phần 44,7% tại Vinamilk. Nguồn tin của Reuters tiết lộ rằng SCIC dự kiến bán cổ phần khoảng 10%, trị giá khoảng 900 triệu USD ở mức giá thị trường hiện tại. Số cổ phần Nhà nước còn lại sẽ tiếp tục được bán dần.

Những bước đi của Việt Nam nhằm thực hiện lời hứa bán cổ phần Nhà nước trong Vinamilk, doanh nghiệp sữa đang có tốc độ phát triển nhanh chóng, chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà đầu tư. Cho tới nay, giới đầu tư vẫn chưa hài lòng với tốc độ chậm chạp, các mục tiêu bị bỏ lỡ, tình trạng quan liêu, những tín hiệu trái chiều… trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam.

Dù nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã bán cổ phần, Chính phủ Việt Nam bị cho là cố tình trì hoãn việc cổ phần hóa những doanh nghiệp có mức độ hấp dẫn cao hơn, hoặc chỉ bán cổ phần ở mức rất nhỏ.

Nguồn tin nói rằng lô cổ phần đầu tiên của Vinamilk được SCIC bán ra có thể đạt mức giá cao hơn so với giá thị trường bởi đã có một số công ty châu Á và quỹ đầu tư cổ phần tư nhân muốn mua.

Vinamilk hiện là doanh nghiệp niêm yết lớn nhất của Việt Nam, với mức vốn hóa gần 9 tỷ USD. Giá trị vốn hóa thị trường của Vinamilk đã tăng 21 lần kể từ khi công ty này bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán cách đây một thập niên. Năm nay, giá cổ phiếu Vinamilk đã tăng 28% do dự báo về việc SCIC thoái vốn. Hồi tháng 7, Vinamilk đã được gỡ trần sở hữu 49% đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn tin của Reuters nói rằng, ngoài các nhà tư vấn nước ngoài, Chính phủ Việt Nam còn mời Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCS) tư vấn cho việc bán cổ phần trong Vinamilk.

Chính phủ Việt Nam thừa nhận việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm chạp, nhưng các quan chức lập luận rằng quy trình này bị cản trở bởi các quy định chồng chéo đòi hỏi phải có thời gian để tháo gỡ. Cũng có ý kiến cho rằng lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước thận trọng trong việc bán cổ phần vì lo có thể gây thất thoát kinh tế.

Theo một số nhà phân tích mức nợ công cao, hiện đang gần 65% GDP, là một nhân tố thúc đẩy Chính phủ bán cổ phần trong các doanh nghiệp Nhà nước nhằm có ngân sách cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình phúc lợi xã hội.

Công ty F&N Dairy Investments của tỷ phú ngành bia Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi hiện đã nắm cổ phần 10,9% và có một ghế trong Hội đồng Quản trị của Vinamilk. Nguồn tin nói vị tỷ phú này muốn tăng cổ phần nắm giữ trong Vinamilk.

Lô cổ phần được chào bán lần này không đi kèm với ghế trong Hội đồng Quản trị. Tuy nhiên, nguồn tin nói rằng vấn đề này có thể được đàm phán.

Đọc tiếp »

Thu nhập bình quân nhân viên Viettel đạt hơn 30 triệu/tháng

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Tống Viết Trung vừa ký văn bản gửi lên Bộ Quốc phòng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh doanh tập đoàn năm 2015. Theo đó, lần đầu tiên mức thu nhập bình quân nhân viên tập đoàn được tiết lộ.

Theo báo cáo hợp nhất năm 2015, doanh thu của tập đoàn Viettel đạt 216.851 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 34.400 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng lên 110.820 tỷ đồng.

Trong năm qua, tập đoàn cũng nộp ngân sách và đóng thuế khoảng hơn 50.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, thu nhập bình quân của nhân viên tập đoàn đạt khoảng 30,5 triệu đồng/tháng, tương ứng 366 triệu đồng một năm. Trong khi thu nhập bình quân của nhân viên công ty mẹ còn cao đạt 30,9 triệu đồng/tháng, tương ứng 371 triệu đồng một năm.

Với mức lương bình quân này, tập đoàn trở thành một trong những doanh nghiệp Nhà nước trả thu nhập cao bậc nhất. Mức thu nhập này chỉ đứng thứ 2 sau mức thu nhập bình quân của nhân viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - gần 37 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2016, Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu doanh thu 242.924 tỷ đồng (không bao gồm doanh thu khuyến mại), lợi nhuận trước thuế gần 46.500 tỷ đồng. Thu nhập bình quân gần 30 triệu đồng một tháng.

Đáng chú ý, Tập đoàn đã lập kế hoạch dài hạn giai đoạn 2016 -2020 với mục tiêu trở thành tập đoàn viễn thông toàn cầu, một trong 20 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.

Doanh thu bình quân 400.00 - 500.000 tỷ đồng một năm, lợi nhuận 70.000 - 90.000 tỷ đồng. Năng suất lao động đạt khoảng 3-4 tỷ đồng/người/năm. Thu nhập bình quân đạt 40 - 50 triệu đồng/người/tháng.

Viettel cũng đặt mục tiêu đầu tư ra quốc tế với vùng phủ thị trường từ 500 - 600 triệu người.

Tập đoàn đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 300.000 tỷ đồng, từ mức 100.000 tỷ đồng hiện nay.

Đặc biệt, Viettel còn dự định sẽ nghiên cứu, sản xuất để trở thành Tập đoàn công nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông công nghệ cao. Từ năm 2016, Tập đoàn sẽ triển khai xây dựng đề án tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thiết bị viễn thông.

Tuy nhiên, Viettel cũng thừa nhận thị trường viễn thông đã đến giai đoạn bão hoà, các sản phẩm truyền thống như thoại, tin nhắn đang bị suy giảm.

Đến nay, Viettel đã đầu tư ra 9 thị trường nước ngoài: Campuchia với mạng Metfone, mạng Unitel tại Lào, mạng Natcom ở Haiti, mạng Movitel ở Mozambique, mạng Nextel ở Cameroon, mạng Bitel ở Peru… Hiện tập đoàn đang có 13 công ty con với tỷ lệ sở hữu từ 50 -100% vốn điều lệ.

Những năm gần đây, lương thưởng ở các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp của Nhà nước luôn ở mức cao, tăng nhanh so với thị trường. Cũng vì vậy, quan điểm doanh nghiệp Nhà nước lương thấp đã dần thay đổi.

Ở bức tranh toàn cảnh hơn, theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lương bình quân của khối doanh nghiệp Nhà nước dẫn đầu năm 2015 với khoảng 7,04 triệu đồng một tháng, khối doanh nghiệp FDI chỉ là 5,47 triệu đồng, tư nhân là 4,99 triệu đồng.

Đọc tiếp »

Tổng công ty Sông Đà nợ hơn 10.000 tỷ trước cổ phần hóa

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước về phương án cổ phần hoá của Tổng công ty Sông Đà.

Văn bản nêu rõ, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hoá cho Tổng công ty Sông Đà. Do đó, để có đủ cơ sở trình Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan trên nêu ý kiến về phương án mà Bộ Xây dựng nêu.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất cổ phần hoá Tổng công ty Sông Đà theo hướng vừa bán một phần vốn nhà nước, vừa phát hành tăng vốn điều lệ.

Nợ 10.190 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 2.645 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 10.190 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt 3,8 lần.

Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất tăng vốn điều lệ lên mức 4.500 tỷ đồng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức hợp lý hơn. Đồng thời đảm bảo việc trả cổ tức là 3% trong những năm sau khi được cổ phần hoá.

Hiện Tổng công ty Sông Đà chiếm khoảng 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện, sắp tới sẽ triển khai sang Lào, Campuchia. Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng mức vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hoá là 51%, sau đó sẽ có lộ trình giảm xuống 36% trong những năm tiếp theo, tuỳ nhu cầu vốn trong từng thời điểm.

Cụ thể, Tổng công ty Sông Đà sẽ phát hành 450 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 51%, đến năm 2020 giảm xuống 36%. Số bán ưu đãi cho người lao động chiếm khoảng 0,18%. Còn lại 30% bán cho nhà đầu tư chiến lược, số cổ phần bán đấu giá công khai là 18,82%.

Tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược là cam kết mua tối thiểu 5% vốn điều lệ tương ứng khoảng 225 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Nhà đầu tư phải có chiến lược, có năng lực, trình độ công nghệ cao, có uy tín, thương hiệu, có kinh nghiệm quản trị, kinh doanh trong lĩnh vực điện, xây lắp, bất động sản.

Nhóm nhà đầu tư chiến lược tài chính là các tổ chức tín dụng ngân hàng có thương hiệu, uy tín trên thị trường, năng lực tài chính dài hạn.

Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng vào năm 2015. Vốn chủ sở hữu là 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dương, không có nợ xấu, có đủ vốn góp lớn hơn số cổ phần mua.

Sau cổ phần, công ty lên kế hoạch doanh 2.890 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 160 tỷ đồng trong năm 2016.

Giá trị doanh nghiệp là 18.502 tỷ đồng

Tổng công ty Sông Đà có nhiều kiến nghị kèm theo phương án cổ phần hoá. Cụ thể, Tổng công ty đề nghị được áp dụng phương pháp xác định lại các khoản đầu tư dài hạn chưa niêm yết tính bằng giá trị sổ sách trừ đi khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.

"Bộ Xây dựng kiến nghị xác định lại khoản đầu tư dài hạn chưa niêm yết bằng giá trị sổ sách trừ đi các trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính để bảo toàn vốn doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định 116, chưa quy định cụ thể dẫn đến một số khoản đầu tư chưa niêm yết trên sàn chứng khoán khi xác định lại theo phương pháp vốn chủ sở hữu bị mất vốn, thậm chí có khoản đầu tư được xác định bằng 0", văn bản nêu.

Theo kế hoạch ban đầu, Tổng công ty dự định bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 7/2016 nhưng kế hoạch đã bị chậm trễ.

Bộ Xây dựng cho rằng đây là doanh nghiệp lớn với nhiều dự án, nhà máy, tài sản ở nhiều nơi do vậy việc xác định giá trị doanh nghiệp cần lấy ý kiến nhiều bên, đảm bảo chính xác. Sau thời gian dài định giá, giá trị doanh nghiệp tại thời điểm xác định cổ phần hoá là 18.502 tỷ đồng, phần vốn nhà nước đạt 4.438 tỷ.

Năm 2010, Thủ tướng có quyết định số 52 về việc thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam và Quyết định số 53 về việc thành lập Tập đoàn Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành, tham mưu giúp việc.

Các đơn vị phụ thuộc của Tổng công ty Sông Đà và tiếp nhận, quản lý 100% giá trị phần vốn Nhà nước thuộc Tổng công Lắp máy (Lilama), Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (DIC) và Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng.

Do đó, Tổng công ty đã ký kế với MCKinsey&Company và hãng kiểm toán KPMG và Invest Consult Group hợp đồng tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp là 4,9 triệu USD cho cả 5 doanh nghiệp trên.

Vì vậy, Tổng công ty đề nghị loại bỏ chi phí tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp là 47,7 tỷ đồng và không tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp do đây là khoản tiền chi phí tư vấn cho 5 doanh nghiệp trên.

Trước đó, tại hội nghị Sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã điểm danh một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, trong đó có Tổng công ty Sông Đà.

Đọc tiếp »

Tổng công ty Đường sắt xin tạm ứng 471 tỷ đồng để trả nợ

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có công văn gửi Thủ tướng báo cáo về việc nợ tiền các nhà thầu.

Cụ thể, VNR là chủ đầu tư các công trình xây dựng 3 cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu. Các công trình này đã hoàn thành từ quý II/2013.

Tuy nhiên, đến nay VNR vẫn đang nợ 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công. Tình hình các nhà thầu hiện đang rất khó khăn. Nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng phát sinh mỗi năm hơn 45 tỷ đồng tiền lãi (mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).

"Công việc những năm qua lại vô cùng khó khăn dẫn đến các nhà thầu có nguy cơ đóng tài khoản, nếu tiếp tục kéo dài sẽ phải dừng hoạt động", VNR nêu.

Các nhà thầu này trước đây trực thuộc tổng công ty nay đã được cổ phần hoá, một số công ty đã thoái hết vốn, số còn lại đang tiếp tục thoái vốn. Vì vậy, việc thanh toán cổ tức, đối chiếu thanh toán nợ với VNR không thực hiện được. Các đơn vị quá khó khăn, không có kinh phí để trả nợ tổng công ty.

Do vậy, VNR kiến nghị thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước 471 tỷ đồng hoặc bố trí đủ từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2016, để bộ này giao cho đơn vị thanh toán hết cho các nhà thầu.

Trong báo cáo đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, VNR khẳng định ba công trình Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu đã hoàn thành năm 2013 và có ý nghĩa đặc biệt về an toàn giao thông đường sắt, đường bộ.

Năm 2015, doanh thu của tổng công ty đạt khoảng 2.657 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng. Nhiều năm nay, ngành đường sắt ì ạch, chậm phát triển.

"Hiện nay các loại hình vận tải như hàng không, đường bộ, đường biển…đang được đầu tư lớn, hệ thống đường bộ cao tốc mở rộng trên toàn quốc, điều này đã thu hút một phần lượng hành khách từ đường sắt chuyển sang", tổng công ty nêu đồng thời khẳng định: với đặc thù ngành nên nhu cầu sử dụng vốn rất lớn.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng công bố kết luận thanh tra đối với VNR với những đoàn đi nước ngoài lên tới con số 188, chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi mà không có hợp đồng với đối tác hay văn bản mời...

Đọc tiếp »

5,6 triệu hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ lập doanh nghiệp

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Đoạn cuối một giấc mơ xe hơi "made in Vietnam"

© Bản quyền thuộc về VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam

Giấy phép Báo điện tử số 123/GP-BTTTT, cấp ngày 7/4/2014

Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.

Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.

Tổng biên tập: Giáo sư Đào Nguyên Cát

Trụ sở Tòa soạn: 96 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3755 2060 - 3755 2059 / Fax: (84-4) 3755 2046

Đọc tiếp »

Cáp treo Bà Nà sắp lên sàn

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (Banacab).

Theo đó, Cáp treo Bà Nà sẽ niêm yết 216,4 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng 2.164 tỷ đồng theo mệnh giá.

Cáp treo Bà Nà được thành lập từ năm 2007, có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là hệ thống cáp treo, máng trượt, nhà hàng, khách sạn…

Kể từ khi đi vào hoạt động, Cáp treo Bà Nà đã tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 2.164 tỷ đồng. Mức tăng mạnh do nhu cầu đầu tư các dự án lớn về cáp treo.

Cổ đông lớn nhất của công ty là ông Lê Viết Lam, hiện nắm 83,46 triệu cổ phiếu - tương ứng 38,57%. Tập đoàn Mặt Trời (Sungroup) nắm giữ khoảng 7,15% vốn tương ứng khoảng 7,15%. Một cổ đông cá nhân khác là ông Mạnh Xuân Thuận nắm giữ tới 73,6 triệu cổ phiếu - tương ứng 34% vốn của công ty.

6 tháng đầu năm 2016, Cáp treo Bà Nà đạt doanh thu 728 tỷ đồng, lãi 201 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 5.200 tỷ đồng.


Năm 2015, công ty đạt doanh thu 1.014 tỷ đồng - tăng 66,7%, lợi nhuận sau thuế là 129,5 tỷ đồng - tăng 136% so với năm 2014.
Đọc tiếp »

SCIC sẽ bán 9% cổ phần Vinamilk trong năm nay

Chiều 23/9, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thông tin sơ bộ về kế hoạch thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, với trọng tâm thực hiện đầu tiên là tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM-HOSE).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, cho biết, theo kế hoạch, ngay trong tháng 9 này Tổng công ty sẽ thực hiện thuê tổ chức tư vấn, chuẩn bị triển khai kế hoạch thoái vốn tại Vinamilk.

Sẽ có tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước tham gia kế hoạch này, theo như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tư vấn tổng thể kế hoạch thoái vốn, xác định giá khởi điểm, các thủ tục pháp lý…

Theo Chủ tịch SCIC, Tổng công ty sẽ thực hiện thoái 9% cổ phần VNM đợt đầu thay vì 10% như thông tin đề cập gần đây. Sau khi lựa chọn tổ chức tư vấn hoặc liên danh tư vấn, dự kiến khoảng tháng 11 sẽ tiến hành xác định giá khởi điểm, và kế hoạch thoái vốn nói trên sẽ được thực hiện ngay trong năm 2016.

Hiện SCIC đang nắm 44,7% cổ phần Vinamilk. Theo lãnh đạo SCIC, 9% bán trong đợt đầu là khối lượng đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư, được chào bán công khai cho nhà đầu tư trong và ngoài nước; giá khởi điểm dự kiến sẽ không thấp hơn giá thị trường tại cùng thời điểm và dựa trên cơ sở định giá của tổ chức tư vấn.

“Chúng tôi quyết tâm kết thúc giao dịch này trong năm 2016. Sau khi bán 9% cổ phần Vinamilk, SCIC sẽ tiếp tục đánh giá rút kinh nghiệm, tính toán để báo cáo các cấp có thẩm quyền”, ông Chi nói.

Ngoài Vinamilk, 9 trong số 10 doanh nghiệp lớn mà SCIC đang đại diện phần vốn Nhà nước dự kiến cũng sẽ có kế hoạch thoái vốn cụ thể trong năm 2017, bao gồm: FPT, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Nhựa Bình Minh và Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang.

Đọc tiếp »

Techcombank chính thức có tân Tổng giám đốc

Ngày 23/9, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã bổ nhiệm ông Nguyễn Lê Quốc Anh vào chức vụ Tổng giám đốc của ngân hàng.

Phát biểu trong ngày đầu giữ vị trí Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn được mang những kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn tích lũy được ở các tổ chức và tập đoàn hàng đầu thế giới về xây dựng doanh nghiệp Việt lớn mạnh.

Ước mơ này đã được hiện thực hóa khi tôi làm việc và cống hiến cho Techcombank - một ngân hàng Việt Nam lớn mạnh, với nhiều tiềm năng phát triển. Tôi cùng Ban điều hành ngân hàng luôn kiên định sẽ nỗ lực tối đa đưa Techcombank ngày càng phát triển, và hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng tầm cỡ khu vực”.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh gia nhập Techcombank từ tháng 5/2015 với vị trí Giám đốc Khối chiến lược và phát triển. Đầu năm 2016, ông được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành ngân hàng trước khi chính thức nhận chức Tổng giám đốc Techcombank ngày 23/9.

Techcombank cho biết, trong thời gian này, ông Nguyễn Lê Quốc Anh đã góp phần tạo nên nhiều thành công về kinh doanh, phát triển nhân lực và nâng tầm thương hiệu của Ngân hàng.

Tính đến hết 31/8/2016, Techcombank đã đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 2.836 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2016. Đồng thời, ngân hàng đã kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động với tỷ trọng chi phí trên thu nhập ở mức 32,34% cho 8 tháng đầu năm 2016.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank cho biết: “Sau 6 tháng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành, ông Nguyễn Lê Quốc Anh đã chứng tỏ được năng lực và khả năng tiên phong, dẫn dắt ngân hàng triển khai nhiều sáng kiến đổi mới, tạo đà bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tôi tin tưởng rằng, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và quản trị ngân hàng quốc tế, đặc biệt với đam mê cống hiến để phát triển thành công một doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế, ông Nguyễn Lê Quốc Anh sẽ dẫn dắt Techcombank hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến lược của ngân hàng, từ đó, mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng và cổ đông"

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh là chuyên gia trong các lĩnh vực: Thiết lập tư duy chiến lược, quản lý dự án, phân tích kinh doanh và xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả, chiến lược kinh doanh và marketing, xây dựng kiến trúc hệ thống công nghệ.

Trước khi đến với Techcombank, ông từng giữ các vị trí cao cấp tại các tổ chức lớn tại Mỹ như T-Mobile US, Wells Fargo Bank, Nissan USA, Fortress Investment Group, McKinsey & Co, Viện Nghiên cứu Quốc gia Argonne, Pacific Gas & Electric Co và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Đọc tiếp »

Bia Sài Gòn đem gần 8.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, doanh thu công ty mẹ đạt 14.322 tỷ đồng.

Đặc biệt, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 -6,2% một năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2% một năm. Trong kỳ công ty cũng ghi nhận doanh thu tài chính đạt 678 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, Sabeco có khoảng 4.076 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, công ty đã phải trích lập khoảng 490 tỷ đồng dự phòng.

Đặc biệt, hai khoản đầu tư gây thua lỗ cho Bia Sài Gòn là đầu tư 216 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) - hiện đã thua lỗ và trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng. Khoảng đầu tư 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Đông Á (DongABank) cũng khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng công ty còn đầu tư ngoài ngành không hiệu quả vào một số doanh nghiệp khác như: Quỹ đầu tư Việt Nam, Quỹ đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2, PVI Sài Gòn, Du lịch dầu khí Phương Đông,…

Dù các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí quảng cáo, khuyến mại không có nhiều thay đổi song lợi nhuận của Sabeco vẫn không tăng trưởng nhiều. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Sabeco tăng nhẹ lên mức 1.971 tỷ đồng.

Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng, Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn và đã có kế hoạch thoái. Mới đây, hãng bia cũng gặp lùm xùm chuyện bổ nhiệm nhân sự Phó tổng giám đốc Vũ Quang Hải - con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Từ cuối tháng 10/2015, doanh nghiệp cũng có tân Chủ tịch khi ông Võ Thanh Hà thay ông Phan Đăng Tuất.

Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010. Trong đó, riêng Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đạt 1,5 tỷ lít, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác.

Được biết, nửa đầu năm 2016, ngành bia phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là áp dụng cách tính mới tại cơ sở bán ra và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 5% tác động đến giá thành bia. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ bia vẫn vượt 1,5 tỷ lít.

Trong khi, tại các nước phát triển như Tây Âu, Nhật Bản… tiêu thụ bia có xu hướng giảm thì Việt Nam được coi là thị trường màu mỡ cho các hãng bia nước ngoài như Heineken, Tiger, Carlsberg.

Cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng quyết liệt khi Bia Sài Gòn vẫn giữ vị thế song khoảng cách đã bị thu hẹp. Đặc biệt, dù doanh thu và sản lượng tiêu thụ giữ vị trí số 1 nhưng lợi nhuận của Sabeco đã bị Heineken vượt qua.

Đọc tiếp »

Vinh danh 105 doanh nghiệp tại The Guide Awards 2016

Căn cứ giữa kết quả bình chọn, đánh giá của độc giả gửi tới ấn phẩm, kết hợp với công tác tác nghiệp và khảo sát thực tế của ban biên tập The Guide, cũng như thu thập nhiều nguồn thông tin khác đặc biệt qua mạng Internet và các phương tiện truyền thông mới, Ban biên tập The guide đã quyết định lựa chọn 105 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở du lịch và dịch vụ du lịch đạt The Guide Award lần thứ 17, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là Khách sạn (38 đơn vị), Khu nghỉ dưỡng (31 đơn vị), lữ hành (14 đơn vị) và khối nhà hàng, spa và các dịch vụ du lịch khác - Ảnh: Việt Tuấn.

Căn cứ giữa kết quả bình chọn, đánh giá của độc giả gửi tới ấn phẩm, kết hợp với công tác tác nghiệp và khảo sát thực tế của ban biên tập The Guide, cũng như thu thập nhiều nguồn thông tin khác đặc biệt qua mạng Internet và các phương tiện truyền thông mới, Ban biên tập The guide đã quyết định lựa chọn 105 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở du lịch và dịch vụ du lịch đạt The Guide Award lần thứ 17, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là Khách sạn (38 đơn vị), Khu nghỉ dưỡng (31 đơn vị), lữ hành (14 đơn vị) và khối nhà hàng, spa và các dịch vụ du lịch khác - Ảnh: Việt Tuấn.

Đọc tiếp »

Góc nhìn: Cần lý trí hơn về dự án thép của Hoa Sen

Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã được Ninh Thuận chấp nhận về chủ trương đầu tư một tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép tại Cà Ná, với tổng công suất thiết kế trong giai đoạn đến năm 2022 là 6 triệu tấn thép, và nâng lên 16 triệu tấn đến năm 2031.

Theo Hoa Sen, trong giai đoạn 2017-2018, dự án sẽ triển khai xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 1,5 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư 460 triệu USD. Dự án cũng gồm xây dựng cảng nước sâu và bến chuyên dụng để tiếp nhận tầu có trọng tải tới 300.000 DWT.

Khi mới được công bố, dự án này đã lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu xoay quanh mấy vấn đề như: công nghệ và thiết bị sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, nguồn cung thép trong nước đã dư thừa, ngành thép là một ngành có công nghệ cũ hàng thế kỷ nên không nên làm thép nữa mà thay vào đó là sản xuất thép hợp kim cao cấp, và nguồn vốn ở đâu để thực hiện dự án lớn như vậy?...

Trước tiên, hãy đề cập đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

Cần thẳng thắn thừa nhận là là dù có giữ gìn cẩn thận đến đâu thì mọi dự án sản xuất gang thép đều gây ô nhiễm ở một mức độ nào đó, không là nước thải thì là khói bụi, khí thải. Vấn đề là, mức độ ô nhiễm này phải trong các hạn mức cho phép được quy định trong các bộ tiêu chuẩn quy phạm về bảo vệ môi trường của quốc gia.

Nếu dự án Hoa Sen được thiết kế, xây dựng và vận hành tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy phạm này (của Việt Nam) thì sẽ không có vấn đề gì đáng nói ở đây. Nhưng dư luận lo ngại, dự án thép này của Hoa Sen sẽ lại như một dự án thép Formosa thứ hai ở Việt Nam, nên tốt nhất là… tránh đi, không làm nữa!

Lo ngại trên hoàn toàn có thể thông cảm được, nếu nhìn từ vụ việc Formosa. Nhưng, nếu cứ lấy Formosa để làm bài học và rút ra kết luận rằng mọi dự án thép đều sẽ hủy hoại môi trường tương tự như vậy, là vô lý.

Bởi vấn đề với Formosa là họ cố tình không tuân thủ các quy định về môi trường của Việt Nam, chứ không phải vấn đề là họ sản xuất thép nên mới gây ô nhiễm như vậy.

Trên thế giới, ngay tại các nước OECD như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, và châu Âu, hiện vẫn đang có nhiều dự án phức hợp luyện cán thép có công suất và sản lượng lên tới hàng chục triệu tấn/năm như ArcelorMittal (97 triệu tấn năm 2015), Nippon Steel and Sumitomo Metal (46 triệu tấn), POSCO (42 triệu tấn), JFE Steel (30 triệu tấn), Hyundai Steel (20 triệu tấn), Nucor (20 triệu tấn), ThyssenKrupp (17 triệu tấn), US Steel (15 triệu tấn)…

Và đương nhiên là tiêu chuẩn môi trường và các chế tài áp dụng để giám sát tuân thủ tiêu chuẩn môi trường của các doanh nghiệp sản xuất thép ở những nước và khu vực này không thể thấp hơn ở Việt Nam.

Các dự án thép khổng lồ này vẫn hoạt động từ nhiều năm nay ở đó, chứng tỏ sản xuất thép, kể cả ở quy mô khổng lồ, đã và đang không phải là “sát thủ” môi trường, như dư luận ở Việt Nam đang quy kết một cách bất công cho các dự án thép nói chung, và của Hoa Sen nói riêng.

Bởi vậy, việc cần phải làm với dự án Hoa Sen không phải là “bàn lùi”, can ngăn, cản trở để họ không đầu tư nữa, mà phải là đảm bảo rằng họ sẽ không tạo ra một Formosa thứ hai bằng cách cố tình phớt lờ các tiêu chuẩn quy phạm môi trường, khi đi vào sản xuất sau này.

Bằng cách nào thì câu trả lời nằm ở phía các cơ quan chức năng của Việt Nam, được trang bị đầy đủ các công cụ và quyền hạn thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, về chuyện dư thừa công suất sản xuất thép trong nước, tình trạng này là một thực tế hiện nay ở Việt Nam. Nhưng cần biết rằng trong tổng công suất lắp đặt khoảng 20-25 triệu tấn hiện nay ở Việt Nam, có một tỷ trọng lớn là từ các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ và rất nhỏ (dưới 500 nghìn tấn).

Đến như Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay với thị phần khoảng 12% thị trường thép ở Việt Nam (Hòa Phát tiêu thụ gần 1 triệu tấn thép xây dựng và thép ống trong nửa đầu năm nay, so với tổng mức tiêu thụ của cả nước là 8,5 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam) mà doanh nghiệp này cũng chỉ có công suất lắp đặt là khoảng 2 triệu tấn.

Do đó, sự ra đời của những dự án “khủng” như của Hoa Sen với sản xuất tích hợp từ thượng nguồn (sản xuất thép thô từ quặng sắt và than cốc bằng lò cao) đến hạ nguồn (thép cuộn, cán, hình) có hiệu quả cao chắc chắn sẽ tăng áp lực cạnh tranh lên sản xuất thép trong nước, buộc nhiều nhà máy và dự án thép (hiện có và sẽ ra đời trong tương lai) không có hiệu quả sẽ phải đóng cửa hoặc rút lại ý định đầu tư.

Nói cách khác, dự án thép Hoa Sen sẽ giúp tái cơ cấu lại ngành sản xuất thép ở Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, tương tự như xu thế chung trên thế giới, đặc biệt ở những nước như Trung Quốc, vốn đang diễn ra làn sóng sát nhập, hợp nhất và đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất thép nhỏ, không hiệu quả, gây ô nhiễm… dưới bàn tay đạo diễn của nhà nước.

Do đó, khi dự án Hoa Sen đi vào hoạt đông thì ngành thép Việt Nam sẽ có thêm đáng kể công suất gia tăng, nhưng đồng thời cũng sẽ có thêm đáng kể công suất mất đi từ những nhà máy đang tồn tại, nên rốt cuộc tình trạng dư thừa cung chắc sẽ không trầm trọng thêm.

Thứ ba, trên danh nghĩa đúng là Việt Nam đang dư thừa năng lực sản xuất thép, nhưng nhìn sâu vào cơ cấu sản xuất, thì thấy dư thừa là ở phân khúc thép xây dựng, chứ không phải thép tấm, thép cuộn cán nóng. Có thể nói Việt Nam hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thép tấm, cuộn cán nóng để sản xuất các sản phẩm thép cán nguội như tôn, thép công nghiệp (đồ điện gia dụng), nhất là thép ôtô và đóng tầu…

Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu hụt năng lực sản xuất thép ống không hàn và các loại thép đặc biệt, thép hình khác. Điều này lý giải, tại sao Việt Nam vẫn phải nhập nhiều triệu tấn thép/năm, vì trong đó có một phần lớn là các sản phẩm thép mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được này.

Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm của dự án Hoa Sen rất đa dạng, từ thép xây dựng đến thép tấm cán nóng và thép hình, tức là sẽ bổ khuyết một phần quan trọng cho sự thiếu hụt trong nước, không chỉ không lo dư thừa công suất mà không còn lo phải nhập siêu lớn trong ngành này.

Cộng thêm với sự tồn tại và sản xuất của Formosa, sự tái cơ cấu ngành thép ở Việt Nam (lưu ý là Formosa cũng sản xuất nhiều loại sản phẩm mà trong nước chưa đáp ứng được) sẽ càng diễn ra mạnh hơn theo chiều hướng tích cực hơn.

Ngược lại, với sự đối trọng của dự án thép Hoa Sen, Formosa sẽ phải tìm cách cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường trong nước, và thậm chí phải tìm cách xuất khẩu nhiều hơn nếu không muốn đối mặt với sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn ở trong nước.

Thứ tư, đúng là công nghệ sản xuất thép hiện đã định hình gần như hoàn chỉnh, ít có thêm đột phá công nghệ nên vì thế cũng có thể coi là ngành có công nghệ bình thường, không có gì đáng hấp dẫn về mặt công nghệ như những ngành công nghệ cao khác hiện đại khác. Nhưng, Hoa Sen là một tập đoàn tư nhân nên quyết định đầu tư vào ngành thép của họ là xuất phát từ những tính toán thiệt hơn về lợi nhuận, chứ không xuất phát từ sự bốc đồng, có động cơ chính trị, xã hội, hay vụ lợi như với một số dự án đầu tư công.

Với họ, câu hỏi liệu công nghệ mới hay không, nên sản xuất thép thường hay thép hợp kim cao cấp không quan trọng bằng câu hỏi có tối đa hóa được lợi nhuận cho cổ đông của mình hay không. Nếu họ tính toán thấy rằng đầu tư vào dự án phức hợp thép đem lại lợi nhuận tốt thì hãy để họ làm và nên ủng hộ họ, tất nhiên với điều kiện là họ phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật.

Ngoài ra, về lo ngại Hoa Sen sẽ sử dụng công nghệ của Trung Quốc, thì cũng cần tham khảo tình hình quốc tế.

Mới hôm trước (ngày 27/8), chính quyền bang Sarawak, Malaysia ký kết bản ghi nhớ với tập đoàn thép Hebei Xinwuan và công ty MCC Overseas (đều của Trung Quốc) về nghiên cứu khả thi cho một dự án thép phức hợp có công suất tới 5 triệu tấn thép mạ, 1 triệu tấn thép cuộn cán nguội, và 1 triệu tấn ống thép hàn với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.

Điều này cho thấy công nghệ Trung Quốc không nhất thiết là “đồ bỏ”, và thực tế là những doanh nghiệp thép lớn của Trung Quốc có tính cạnh tranh toàn cầu, đẩy không ít doanh nghiệp thép lớn nhỏ của thế giới vào tình trạng khốn đốn.

Cuối cùng, nguồn vốn cho dự án, nếu đầu tư đầy đủ để đạt công suất 16 triệu tấn vào năm 2031, được ước tính lên tới hơn chục tỷ USD, làm cho nhiều người e ngại tính khả thi. Nhưng cần lưu ý rằng, dự án này trải qua nhiều giai đoạn, với công suất lắp đặt tăng dần, nên nhu cầu vốn cũng sẽ rải ra trong một khoảng thời gian nhiều năm.

Thêm nữa, như đã nói, Hoa Sen là một tập đoàn tư nhân và khi quyết định đầu tư, đầu tư bao nhiêu thì họ đã tính toán và lượng sức mình, sức thị trường vốn để ra quyết định đầu tư. Kể cả trong trường hợp xấu, quyết định đầu tư của họ chỉ gây thiệt hại cho cổ đông của họ, chứ không gây thiệt hại, ảnh hưởng mấy đến quốc dân như với những dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước.

Bởi vậy, chuyện thu xếp vốn cũng là quyền và là chuyện riêng của Hoa Sen, xin đừng bận tâm hộ cho họ!

Đọc tiếp »

Ông chủ Zara đoạt ngôi giàu nhất thế giới của Bill Gates

Tỷ phú ngành bán lẻ thời trang Tây Ban Nha Amancio Ortega, nhà sáng lập thương hiệu Zara, ngày 8/9 đã vượt qua “ông trùm” công nghệ người Mỹ Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới trong xếp hạng của Forbes.

Tạp chí này cho biết giá cổ phiếu của tập đoàn Inditex - hãng mẹ của các thương hiệu thời trang Zara, Massimo Dutti, và Pull&Bear - tăng 2,5% trong phiên giao dịch cùng ngày, nâng giá trị tài sản ròng của Ortega thêm 1,7 tỷ USD. Nhờ đó, khối tài sản của vị tỷ phú này nhảy từ 77,8 tỷ USD lên 79,5 tỷ USD.

Theo số liệu của Forbes, Gates - nhà sáng lập hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft - hiện là chủ nhân của khối tài sản ròng ước tính khoảng 78,5 tỷ USD.

Là con trai của một công nhân đường ray ở La Coruna, Tây Ban Nha, Ortega có cuộc sống bình dị và khép kín. Ông khởi nghiệp với nghề nhân viên bán hàng ở thị trấn quê nhà trước khi kinh doanh riêng. Bắt đầu với số vốn chưa đầy 100 USD, Ortega cùng người vợ đầu tiên là Rosalia Mera sản xuất đồ lót, đồ ngủ và những bộ trang phục dạ hội ngay trong phòng khách ở nhà.

Năm 1975, cặp vợ chồng quyết định mở một cửa hiệu mang tên Zara. 8 năm sau, Ortega mở rộng thương hiệu với 9 địa điểm trên khắp Tây Ban Nha. Năm 1984, ông mở một kho hàng rộng hơn 900 mét vuông.

Không giống như hầu hết các nhà bán lẻ khác, Inditex không phụ thuộc vào quảng cáo. Thay vào đó, Ortega dồn phần lớn nguồn lực để biến công ty của mình thành nhà bán lẻ hoạt động hiệu quả nhất thế giới.

Hồi đầu thập niên 2000, trong khi những đối thủ như Gap và H&M mất tới 5 tháng để thiết kế, sản xuất, phân phối và bán sản phẩm mới, Zara chỉ mất 3 tuần để thực hiện các công đoạn này. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty của Ortega có thể đáp ứng các xu hướng thời trang nhanh chóng hơn so với các hãng thời trang khác, đồng thời phải chi ít tiền hơn cho việc giữ hàng trong kho.

Ortega đưa Inditex thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), trở thành công ty đại chúng vào năm 2001. Cùng năm đó ông lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes với khối tài sản ròng 6,6 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Bill Gates đã là người giàu nhất thế giới, sở hữu tài sản ròng 58,7 tỷ USD.

Từ năm 2001-2002, khi hầu hết các tỷ phú bị mất tiền vì bong bóng công nghệ nổ tung, tài sản của Ortega tăng thêm 2,5 tỷ USD và ông nhảy lên vị trí người giàu thứ 25 thế giới.

Bảy năm sau đó, ông lại có những bước nhảy vọt trong xếp hạng tỷ phú giữa lúc thế giới chìm trong khủng hoảng tài chính.

Từ năm 2009-2013, khi kinh tế Tây Ban Nha lâm khủng hoảng nợ và suy thoái, tài sản cá nhân của Ortega tăng thêm 39 tỷ USD.

Vào tháng 10/2015, đã có thời điểm Ortega lần đầu tiên soán ngôi giàu nhất thế giới. Khi đó, giá cổ phiếu Inditex đạt mức cao chưa từng có, đẩy giá trị tài sản ròng của ông lên 80 tỷ USD. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này đã giảm trở lại, và Gates trở lại “ngôi vương” của xếp hạng giàu.

Forbes nói rằng, Gates và Ortega sẽ còn thay nhau nắm giữ vị trí người giàu nhất thế giới trong thời gian tới, khi mà giá cổ phiếu các công ty họ nắm giữ có sự thay đổi.

Tuy nhiên, trong xếp hạng của hãng tin tài chính Bloomberg, Gates hiện vẫn là người giàu nhất thế giới. Dữ liệu từ Bloomberg Billionaires Index tính đến cuối ngày 8/9 theo giờ Mỹ cho thấy Gates hiện có tài sản ròng ở mức 89,7 tỷ USD, so với mức 79,2 tỷ USD của Ortega.

Theo Forbes, đến nay, Gates đã tài trợ gần 31 tỷ USD dưới dạng cổ phiếu và tiền mặt cho hoạt động từ thiện. Nếu Gates không làm từ thiện nhiều như vậy, thì khó ai có thể soán ngôi giàu của ông.

Đọc tiếp »

Ba bộ cùng EVN “lờ” kết luận thanh tra

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ là có khá nhiều kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trước đó đã không được EVN cùng 3 bộ: Công Thương, Tài chính và Xây dựng thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi cơ quan này chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm của EVN trong công tác quản lý tài chính, công tác sản xuất kinh doanh điện, thay vì đôn đốc EVN thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của thanh tra, thì cả 3 bộ có liên quan nói trên vẫn khá “thờ ơ” với những vi phạm đó, dù đã có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.

Cụ thể là Bộ Công Thương chưa thực hiện việc rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ đối với tổ chức hoạt động của EVN nhằm tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy EVN thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu tập đoàn này.

Đồng thời, Bộ cũng chưa tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ đối với một số tồn tại, khuyết điểm đã nêu tại kết luận thanh tra.

Đáng chý ý, Bộ Công Thương cũng chưa ban hành khung giá phát điện để phù hợp với lộ trình các cấp độ phát triển của thị trường điện; chưa chỉ đạo các Sở Công thương các tỉnh kiểm tra, rà soát điều kiện kinh doanh, an toàn lưới điện và giá bán điện cho người dân tại địa phương do các tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng ngoài EVN bán và đề xuất biện pháp xử lý.

Bộ cũng chưa chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và các cá nhân có liên quan kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền trong việc không thực hiện trong việc trả lời báo cáo giải trình của EVN về giá bán buôn điện bình quân, giá truyền tải điện năng năm 2011.

Đối với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ xác định có 4 nội dung công việc mà Bộ này chưa thực hiện theo kết luận thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, Bộ Tài chính chưa thực hiện việc rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ đối với tổ chức hoạt động của EVN; chưa thực hiện việc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ đối với một số tồn tại, khuyết điểm đã nêu trong kết luận thanh tra; chưa đề xuất xử lý số tiền 3,108 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN năm 2010 chưa đúng với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chưa chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng thực hiện việc rà soát khoản chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý của ngành điện cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác…

Đối với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ khẳng định, Bộ này chưa chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành định mức xây dựng, tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng nhà ở, nhà quản lý vận hành nhà máy điện cũng như các nhà máy, khu công nghiệp khác, đảm bảo tiết kiệm và phù hợp với thực tế các ngành; chưa có hướng dẫn cụ thể về xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành chung cho cả nước.

Riêng đối với EVN, Thanh tra Chính phủ khẳng định tập đoàn chưa thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại thời điểm kiểm tra, EVN đang lên kế hoạch thoái vốn tại 7 công ty với giá trị hơn 1.950 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2015, EVN mới thoái được hơn 1.440 tỷ đồng, số còn lại chưa thoái hơn 415 tỷ đồng tại Ngân hàng An Bình, dù đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

EVN cùng 6 đơn vị thành viên cũng chưa tổ chức kiểm điểm đầy đủ đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.

Mặt khác, tại 6 Tổng công ty chưa tổ chức kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) chưa thực hiện điều chỉnh hoạch toán và về kê khai nghĩa vụ thuế với số tiền 96,8 tỷ đồng. EVN SPC cũng chưa xem xét xử lý giá trị hơn 5,45 tỷ đồng do dừng 7 dự án gây lãng phí.

Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) cũng chưa tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan đến vi phạm trong chuyển nhượng cổ phần tại công ty cổ phần thủy điện Nho Quế 1.

Với thực tế trên, Thanh tra Chính phủ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành nói trên cùng EVN nghiêm túc thực hiện các nội dung còn thiếu sót. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân vì đã để xảy ra các vi phạm đã nêu trong kết luận trước đó.

Đọc tiếp »

Hầu hết doanh nghiệp nhà nước “phớt lờ” công bố thông tin

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo việc thực hiện Nghị định 81/2015 của Chính phủ về việc các tập đoàn, tổng công ty phải công bố thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh theo định kỳ quý/năm.

Theo đó, tính đến 31/7/2015, có 332 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương chưa tiến hành việc công bố thông tin theo chỉ đạo của Chính phủ trước đó.

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin hoặc công bố không đầy đủ có các tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tổng công ty Thuốc lá (Vinataba), Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Cà phê (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thiết bị y tế…

Một số doanh nghiệp viễn thông lớn như: Viettel, MobiFone, Vinaphone... cũng không thực hiện đầy đủ nghị định của Chính phủ.

Có 107 doanh nghiệp có công bố thông tin nhưng thực hiện chưa đầy đủ, thiếu nhiều nội dung phải báo cáo, công bố theo quy định, trong đó có những tập đoàn lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Hóa chất…

Duy chỉ có 3 doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ là Công ty TNHH Một thành viên Phà An Giang, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và Công ty Xổ số kiến thiết Kon Tum.

Theo Nghị định 81, cả nước có 432 doanh nghiệp Nhà nước có nghĩa vụ công bố thông tin, song mới có 110 đơn vị thực hiện (tính đến 31/7). Thời hạn công bố báo cáo tài chính năm 2015 là 31/5/2016 nhưng đến nay mới có 44 doanh nghiệp thực hiện. Tương tự, việc công khai báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo quản trị cũng có tỷ lệ hoàn thành thấp…

Trước tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước chậm hoặc không chịu công bố thông tin, ngày 9/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn do Thứ trưởng Đặng Huy Đông ký, gửi các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế đề nghị thực hiện nghiêm túc việc báo cáo, công bố thông tin theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 81/2015.

Đọc tiếp »

Vinamilk vào top 50 công ty niêm yết châu Á - Thái Bình Dương

Vào ngày 24/8 vừa qua, tạp chí Forbes Châu Á đã công bố danh sách 50 công ty niêm yết hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Fabulous 50, viết tắt FAB 50) với sự góp mặt của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ở vị trí thứ 24, tính theo vốn hóa thị trường.

Đây là lần đầu tiên có một công ty Việt Nam được chọn vào danh sách này, trong suốt 12 năm lịch sử của FAB 50.

Nói về Vinamilk, Forbes Châu Á cho biết: “Công thức bí mật của công ty “hot” nhất Việt Nam, chỉ cần hỏi bất kỳ trẻ em nào thì sẽ biết”.

Danh sách FAB 50 được Forbes Châu Á lập lần đầu tiên vào năm 2005 nhằm xếp hạng và công bố 50 công ty niêm yết hàng đầu của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ các lĩnh vực, ngành nghề như chế biến thực phẩm, công nghệ, bán lẻ, y tế….

Để chọn ra danh sách 50 công ty, đội ngũ phóng viên và biên tập viên của Forbes Asia cho biết đã sàng lọc 1.524 công ty được niêm yết có số vốn hóa tối thiểu là 1,7 tỷ USD của các quốc gia trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc….

Các công ty còn phải trải qua một quá trình xem xét với nhiều tiêu chí: không có quá 50% cổ phần sở hữu thuộc nhà nước, không được thua lỗ và sụt giảm doanh thu trong 5 năm gần đây, không có tỷ lệ nợ (debt ratio) vượt quá 50%...

Bên cạnh các tiêu chí cơ bản, Forbes Châu Á còn kiểm tra năng lực tài chính của các công ty này bằng một loạt các phân tích và đo lường khác.

Đến giữa tháng 8/2016, Vinamilk đạt mức vốn hóa là 9.2 tỷ USD với doanh thu là 1.8 tỷ USD và được xếp thứ 24 trong danh sách FAB 50 năm 2016. Tính tới 29/8, vốn hóa thị trường của Vinamilk đạt mức kỷ lục là 10 tỷ USD.

Theo một báo cáo của Euromonitor về các công ty sữa trên toàn thế giới thì Vinamilk đang đứng thứ 49 về toàn cầu về doanh thu các sản phẩm sữa trong năm 2015 (ước tính của KPMG theo số liệu của Euromonitor). Doanh thu này hiện cao hơn 18% so với mức doanh thu trung bình của các công ty sữa ở châu Á.

Hiện nay ngoài 10 trang trại và 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zeland, Campuchia, 1 công ty con tại Ba Lan và đang xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường mới như Thái Lan, Myanmar và châu Phi.

Đọc tiếp »

Việt Nam xếp 11 thế giới về môi trường làm việc cho người nước ngoài

Theo một xếp hạng được công bố mới đây, Việt Nam đứng thứ 11 trên thế giới về môi trường sinh sống và làm việc cho lao động ngoại quốc.

Đây là xếp hạng mang tên Expat Insider của InterNations, một trang web dành cho những người làm việc ở nước ngoài. Xếp hạng bao gồm 67 nước và vùng lãnh thổ, được thực hiện dựa trên khảo sát ý kiến của 14.000 người thuộc 174 quốc tịch khác nhau về viêc đi lại, sinh sống và làm việc ở một quốc gia khác.

Các tiêu chí đánh giá bao gồm đời sống gia đình, tài chính, chất lượng cuộc sống, mức độ bảo đảm công việc… của lao động nước ngoài

Vùng lãnh thổ Đài Loan đã vươn lên xếp ở vị trí thứ nhất trong xếp hạng năm nay, “soán ngôi” Ecuador - quốc gia đã đứng ở vị trí này hai năm liên tiếp trước đó.

Theo đánh giá của InterNations, Đài Loan đạt điểm số cao nhất ở các tiêu chí chất lượng cuộc sống và tài chính cá nhân của lao động nước ngoài.

Hơn 1/3 số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Đài Loan hoàn toàn hài lòng với công việc của họ, cao hơn gấp hai lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 16%. Ngoài ra, lao động ngoại quốc cũng đánh giá cao Đài Loan về cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cũng như sự đảm bảo về công ăn việc làm.

Các vị trí tiếp theo trong top 10 của xếp hạng thuộc về Malta, Ecuador, Mexico, New Zealand, Costa Rica, Australia, Áo, Luxembourg, và Cộng hòa Czech.

Việt Nam xếp thứ 11 trong xếp hạng, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á được InterNations đánh giá.

Singapore đứng thứ 13, Thái Lan xếp 18, Philippines hạng 23, và Indonesia đứng thứ 52. Trung Quốc xếp vị trí 48.

“Đội sổ” xếp hạng này là quốc gia châu Phi Tanzania. Ngoài ra, trong nhóm 10 nước “bét bảng” còn có Italy, Qatar, Mozambique, Egypt, Saudi Arabia, Brazil, Nigeria, Hy Lạp, và Kuwait.

Đọc tiếp »

BIDV công bố thay nhân sự lãnh đạo

Hôm 1/9, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có công văn số 2651/BIDV-TKHĐQT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, để công bố thông tin thay đổi nhân sự.

Theo đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, chính thức nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/9/2016, sau 35 năm gắn bó với BIDV, trong đó có hơn 8 năm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Ông Hà sinh năm 1956, cử nhân kinh tế (Đại học Tài chính Kế toán), có chứng chỉ quản trị kinh doanh cao cấp. Trước khi làm Chủ tịch BIDV, ông từng là Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định, Phó tổng giám đốc BIDV, ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc BIDV.

Ông Trần Bắc Hà đang kiêm các chức vụ chủ tịch hiệp hội, ủy viên ban chấp hành - ủy viên thường vụ các hiệp hội: Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIl), Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC).

Ông Hà rời BIDV sau khi ngân hàng này đã trở thành thành viên có quy mô lớn nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, xét theo quy mô tổng tài sản. Tính đến cuối tháng 6/2016, ngân hàng này đã có tổng tài sản lên tới 930 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của BIDV, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6/2016 chỉ xấp xỉ 2%. Tuy nhiên, đây là một trong những ngân hàng thương mại có lượng nợ xấu đã bán lại cho VAMC lớn nhất trong hệ thống, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng trong những năm qua.

Hiện BIDV cũng đang gặp khó khăn của khoản nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai; cũng như gặp khó khăn trong việc đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel 2, do chính sách cổ tức đầu năm nay, liên quan đến việc tăng vốn, không được Bộ Tài chính chấp thuận.

Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, Hội đồng Quản trị BIDV đã bầu ông Trần Anh Tuấn (ủy viên Hội đồng Quản trị) phụ trách điều hành hoạt động của Hội đồng Quản trị BIDV kể từ ngày 1/9/2016.

Ông Trần Anh Tuấn, sinh năm 1958, nay cũng đã gần tuổi nghỉ hưu, vào làm việc tại BIDV cùng năm với ông Trần Bắc Hà (1981). Ông Tuấn được bổ nhiệm chức vụ ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc BIDV từ tháng 1/2008 và được bầu làm ủy viên Hội đồng Quản trị BIDV từ ngày 1/5/2012.

Trước đó, ông Trần Anh Tuấn từng giữ các chức vụ Tổng giám đốc BIDV, Phó tổng giám đốc BIDV, Giám đốc chi nhánh BIDV Gia lai - KonTum.

Đọc tiếp »

Nên phạt tiền pháp nhân thương mại theo cách nào?

Động cơ thực hiện một hành vi cụ thể của cá nhân rất đa dạng: vì lợi nhuận, ghen tuông, thù hận, dục vọng, vì tình yêu, vì lòng trắc ẩn, vì thói quen… hoặc có thể là sự kết hợp của nhiều động cơ cùng một lúc.

Nhưng đối với pháp nhân thương mại, động cơ phổ biến nhất, bao trùm nhất là lợi ích kinh tế.

Vì thế, điểm mấu chốt, đặc biệt quan trọng khi thiết kế các hình phạt đối với pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự, là cần hướng tới việc triệt tiêu hoặc thay đổi động cơ kinh tế khi pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội.

Đó là nhận xét của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015.

20 tỷ vẫn quá nhỏ

Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trong bộ luật này là chủ đề của một cuộc toạ đàm do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 5/9.

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật thì đến thời điểm này Chính phủ chưa trình dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Song dự thảo luật được Chính phủ thảo luận tại phiên họp tháng 8 vừa qua có nội dung liên quan đến trách nhiệm hình sự pháp nhân.

Một trong những băn khoăn lớn được nêu tại toạ đàm là quy định về hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mai phạm tội.

Với Bộ luật Hình sự 2015, nhận xét của ông Đậu Anh Tuấn là quy định mức phạt tiền với pháp nhân thương mại vẫn theo kiểu “bốc thuốc”, chưa có căn cứ thuyết phục khi hoàn toàn dựa vào con số tuyệt đối.

Việc không áp dụng phương pháp tương đối (mức phạt gấp nhiều lần số lợi bất chính thu được), theo ông Tuấn, là sẽ không có tác dụng ngăn chặn đối với một số hành vi vi phạm có quy mô đặc biệt lớn.

Mức phạt tiền tối đa đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 là 20 tỷ đồng. Đây có thể là mức phạt tiền rất lớn được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, nhưng so với một số tập đoàn lớn thì lại là số tiền rất nhỏ, nếu họ cố tình vi phạm để thu lợi bất hợp pháp, ông Tuấn phân tích

Một trong các kiến nghị từ Trưởng ban Pháp chế VCCI là quyết định hình phạt dựa trên lợi ích kinh tế thu được từ hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, thực tế thì đối với nhiều tội danh, việc xác định được số lợi bất chính thu được từ hành vi không hề đơn giản. Do đó, phương pháp phù hợp nhất vẫn là coi số lợi bất chính thu được là một yếu tố cấu thành không bắt buộc.

Nói cách khác, nếu có thể chứng minh, tính toán số lợi bất chính thu được thì sử dụng đó là một căn cứ để quyết định hình phạt. Còn trong trường hợp không thể xác định số lợi thu được, thì vẫn có thể xử lý hình sự dựa vào các dấu hiệu khác, ông Tuấn nói.

Nên tránh số tuyệt đối

Cũng bàn về hình phạt tiền, TS. Lê Đăng Doanh (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng quy định mức phạt thấp nhất không dưới 50 triệu đồng là phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang chiếm tuyệt đại đa số trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam.

Ông Doanh cũng đồng tình với phân tích của ông Tuấn về những bất cập khi quy định mức phạt là con số tuyệt đối.

Theo ông Doanh, mức phạt tiền là hình phạt bổ sung phải quy định tương xứng theo một tỷ lệ hay một công thức nhất định so với hình phạt chính để có sự đồng bộ và phân hoá giữa các loại tội phạm.

Chẳng hạn, điều 235 quy định tội gây ô nhiễm môi trường, pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 5 đến 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm.

Giả định toà án không áp dụng phạt tiền mà đình chỉ hoạt động 6 tháng (đây là hình phạt chính) thì chỉ có thể áp dụng hình phạt bổ sung cao nhất đến 500 triệu đồng.

Như vậy, dừng hoạt động 6 tháng mà không bị áp dụng hình phạt 5 - 10 tỷ nhiều doanh nghiệp sẽ sẵn sàng chấp nhận. Hình phạt tiền trong trường hợp này không mang tính răn đe, giáo dục, nhất là đối với tội phạm ô nhiễm môi trường hiện nay, ông Doanh phân tích.

Theo ông, khi không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính thì cần quy định mức phạt tiền là hình phạt bổ sung phải bằng mức khung hình phạt tiền khởi điểm nhẹ nhất của tội phạm đó.

Đọc tiếp »

Phát hiện hàng loạt sai phạm tại Petrolimex

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản.

Một trong những sai phạm nổi lên là việc Petrolimex và các đơn vị trực thuộc đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ngoài ngành không đúng quy định; để xảy ra tình trạng cá nhân chiếm đoạt tài sản; quản lý không chặt chẽ trong kinh doanh, điều hành giá bán…

Thua lỗ đầu tư ngoài ngành

Theo kết quả thanh tra, từ 2010 đến tháng 6/2013, Công ty mẹ Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính, cụ thể là vào mảng ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản với tổng số tiền 2.255,6 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định như: tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex 171,3 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp) mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng vốn kinh doanh 231,9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với nghị quyết của hội đồng quản trị.

Tập đoàn này cũng ủy thác cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án 414,6 tỷ đồng từ vốn chiếm dụng trong thanh toán, chưa bố trí được nguồn vốn cho đầu tư xây dựng. Chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Một số khoản đầu tư của Công ty mẹ hiệu quả thấp: Đầu tư 178,5 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex và Công ty Cổ phần Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả; đầu tư 38,8 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN và Công ty Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức.

Ngoài ra, một số khoản đầu tư vào Công ty Vận tải xăng dầu (Vipco), Hóa dầu Petrolimex, Công ty Xăng dầu khu vực 2 cũng được cho là bất hợp lý, không đúng quy định, trong đó đầu tư vào Vipco được Thanh tra Chính phủ xác định là vi phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, hồi tháng 4/2008, Vipco đã chuyển 72,5 tỷ đồng vào tài khoản chung do Công ty Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản, sau đó có văn bản cho phép Công ty Thiên Lộc Phú rút ra từ ngân hàng 20,2 tỷ đồng nhưng không có căn cứ, số tiền rút ra không sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng và hoạt động của Công ty Thiên Lộc Phú (thực tế công ty này không hoạt động kinh doanh).

Thiên Lộc Phú đã trả lại Vipco 1,5 tỷ đồng, số còn lại gần 19 tỷ đồng đến nay không thu hồi được là việc làm “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”, Kết luận Thanh tra cho hay.

Ngoài ra, tháng 4/2008, nguyên Tổng giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Vipco còn chuyển số tiền 483 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, đến nay cũng không thu hồi được, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng số tiền chưa thu hồi được trên 19,1 tỷ đồng. Điều này cũng biểu hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đối với cá nhân nói trên.

Năm 2006, Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực 3 và Phó chủ tịch UBND xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 360 m2 đất trái thẩm quyền, làm phát sinh công nợ 540 triệu đồng, nguy cơ mất vốn.

Nhiều sai phạm trong kinh doanh xăng dầu

Ngoài những sai pham trên, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của Petrolimex và các công ty xăng dầu thành viên.

Cụ thể là việc xác định sai sản lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế, dẫn đến trích thiếu Quỹ bình ổn giá gần 5 tỷ đồng. Năm 2011, tập đoàn chỉ đạo các công ty xăng dầu thành viên kinh doanh có lãi trích lập Quỹ bình ổn, thực tế 11 công ty đã trích lập số tiền 221,3 tỷ đồng, không đúng đối tượng theo quy định.

Petrolimex còn hạch toán vào chi phí xăng dầu hao hụt vượt định mức, không đúng quy định của Quy chế kinh doanh xăng dầu, làm giảm hiệu quả kinh doanh gần 7 tỷ đồng. Việc tập đoàn này thuê tàu vận tải xăng dầu cho Công ty Vipco theo phương pháp thuê định hạn là chủ yếu, tuy đảm bảo được sự chủ động trong vận chuyển xăng dầu nhưng đơn giá thuê định hạn cao hơn nhiều so với thuê chuyến, dẫn đến tăng giá vốn, giảm hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ đối với các công ty xăng dầu thành viên chưa tuân thủ nguyên tắc, phương pháp xác định giá quy định trong quy chế kinh doanh xăng dầu và chưa phù hợp với giá bán do liên bộ Tài chính – Công Thương công bố, thể hiện ý chí chủ quan trong việc quyết định giá, dễ phát sinh tiêu cực.

Petrolimex cũng “chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu tiêu thụ trước các thời điểm điều chỉnh giá, sản lượng xăng xuất bán trước thời điểm tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên tăng bất thường từ 2,3 – 6,7 lần so với sản lượng bán bình quân”.

Thanh tra Chính phủ nhìn nhận, đây là dấu hiệu sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhưng tập đoàn chưa có biện pháp quản lý, khắc phục.

Công ty Xăng dầu Khu vực 2 và Công ty TNHH Vipco Hạ Long đã buông lỏng điều kiện thanh toán khi ký hợp đồng bán tái xuất xăng dầu, cho phép bên mua chậm thanh toán nhưng không có điều kiện để đảm bảo thu hồi, làm phát sinh công nợ khó đòi hơn 278 nghìn USD, nguy cơ mất vốn….

Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất, Petrolimex và các đơn vị thành viên để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm như không tổ chức đấu thầu theo quy định, chỉ định nhà thầu không đủ năng lực tài chính…

Trong quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước có một số khuyết điểm, vi phạm như đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định, thiếu cơ sở, cao hơn chi phí thực tế của tập đoàn, thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân thuộc tập đoàn và các công ty liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, quản lý hoạt động kinh doanh cũng như trong công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.

Thanh tra Chính phủ cũng chuyển Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc xảy ra giữa Công ty Vipco và Công ty Thiên Lộc Phú do để thất thoát hàng chục tỷ đồng nhưng đến nay chưa thu hồi được.

Đọc tiếp »

Tổng công ty Cảng hàng không lỗ tỷ giá 1.300 tỷ vì Yên Nhật

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2016 với doanh thu đạt 3.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng đột biến lên 1.406 tỷ đồng đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Cụ thể, ACV lỗ ròng 124 tỷ đồng. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc ACV lỗ là do vay nợ bằng đồng Yên quá lớn. Cụ thể, lỗ chênh lệch tỷ giá trong kỳ của công ty lên tới 1.379 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6, ACV vay nợ dài hạn hơn 15.600 tỷ đồng bằng đồng Yên thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

Cùng với đó là các hiệp định vay vốn để xây dựng nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tổng số vốn vay bằng đồng Yên lên tới 15.775 tỷ đồng.

Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, đồng Yên lại liên tục tăng giá, khiến ACV bị lỗ tỷ giá khoảng 1.368 tỷ đồng.

Theo tỷ giá ngày 6/9 tại Vietcombank, 1 Yên đổi khoảng 212 đồng, tăng mạnh so với mức 184 đồng của đầu năm 2016, tương ứng tăng 15,3%.

Trước đó, trong năm 2015, ACV cũng lỗ 666 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Đây là năm đầu tiên ACV chuyển sang hoạt động ở mô hình cổ phần hoá, tính từ ngày 1/4/2016. Công ty cũng xây dựng kế hoạch năm dựa trên việc chuyển đổi mô hình quản lý mới. Năm 2015, công ty vẫn đạt doanh thu 13.327 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.753 tỷ đồng.

ACV là doanh nghiệp đã cổ phần hóa, trong đó Bộ Giao thông Vận tải là cổ đông lớn nhất. Tổng công ty có quy mô khai thác vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng quốc tế và 15 cảng quốc nội. Tính đến giữa năm 2016, tổng tài sản tổng công ty vượt 46.000 tỷ đồng.

Trong năm 2016, ACV đặt kế hoạch phục vụ 73,4 triệu lượt khách, doanh thu 12.095 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.056 tỷ đồng.

Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2016, ACV sẽ thực hiện đầu tư 19 dự án chính, bao gồm cả các dự án chuyển tiếp từ năm 2015 với tổng vốn đầu tư 5.835 tỷ đồng.

Một số dự án lớn như mở rộng nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất hơn 1.066 tỷ đồng, mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc 696 tỷ, đường tầng và sân đỗ ôtô Cát Bi 723 tỷ, xây dựng hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay 798 tỷ đồng...

Còn dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 114.450 tỷ đồng. Giai đoạn một sẽ hoàn thành vào năm 2025, đáp ứng công suất 25 triệu hành khách một năm.

Doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục sơ tuyển nhà tư vấn để xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng trước khi báo cáo hội đồng thẩm định Nhà nước và Quốc hội dự kiến vào quý 3/2017.

Đọc tiếp »

Cổ đông Hoa Sen đồng ý xây siêu dự án thép Cà Ná

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 6/9, cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - HOSE) đã thông qua chủ trương đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

Dự án có công suất 16 triệu tấn một năm, với vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương hơn 230.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Hoa Sen sẽ triển khai dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ 2017 đến năm 2031. Khi hoàn thành, dự án có thể tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động.

Giai đoạn đầu tiên thực hiện trong năm 2017-2018 với diện tích sử dụng là 240 ha đất, công suất 1,5 triệu tấn và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.

Tại đại hội, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoa Sen cho biết, các doanh nghiệp trong ngành thép hiện nay như Hoà Phát đang có lợi nhuận rất tốt từ thép, vì vậy Hoa Sen muốn đầu tư để chia nhỏ miếng bánh lớn này.

Về nguồn vốn đầu tư, ông Lê Phước Vũ tiết lộ Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã cam kết cho vay 500 triệu USD, nên Hoa Sen chưa có ý định phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, về dài hạn vốn của Hoa Sen sẽ tăng lên khoảng 10.000 tỷ đồng vào năm 2026.

Về công nghệ luyện thép, ông Vũ cho biết sẽ chia sẻ với cổ đông sau. Tuy nhiên, ông Vũ cũng thừa nhận làm công nghiệp chắc chắn sẽ có ô nhiễm, nhưng với công nghệ hiện đại thì có thể xử lý được vấn đề này.

“Tôi cam kết không sử dụng công nghệ như Formosa nên sẽ không xảy ra sự cố môi trường. Công nghệ luyện cốc của Hoa Sen là luyện cốc khô. Trong giai đoạn đầu với công suất 1,5 triệu tấn, chúng tôi cũng sẽ nhập khẩu chứ chưa đầu tư luyện cốc”, ông Vũ khẳng định trước cổ đông.

Nói về việc sử dụng nước biển để luyện thép, ông Vũ khẳng định nhiều nhà máy thép trên thế giới đã sử dụng nước lọc từ nước biển để sản xuất. Tại Việt Nam đã có dự án của tập đoàn Doosan Hàn Quốc ở Dung Quất chuyên sản xuất các thiết bị lọc nước biển xuất khẩu sang Trung Đông. Hơn nữa, tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết cung cấp nước sạch cho dự án.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ có nhu cầu dùng 27 triệu tấn thép và đến năm 2030 nâng lên 35 triệu tấn.

Trong khi đó, nếu tính cả Formosa giai đoạn 1 đi vào hoạt động với công suất khoảng 7,5 triệu tấn thì lượng thép sản xuất trong nước vẫn thiếu so với với nhu cầu.

Do vậy, theo ông Vũ, dự án của Hoa Sen khi hoàn thành có thể đáp ứng đủ nhu cầu thép dùng trong nước.

Tập đoàn Hoa Sen hiện chiếm 40% thị phần tôn và hơn 20% thị phần ống thép trong nước, xuất khẩu sản phẩm tới 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đọc tiếp »