Một trong những sai phạm nổi lên là việc Petrolimex và các đơn vị trực thuộc đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ngoài ngành không đúng quy định; để xảy ra tình trạng cá nhân chiếm đoạt tài sản; quản lý không chặt chẽ trong kinh doanh, điều hành giá bán…
Thua lỗ đầu tư ngoài ngành
Theo kết quả thanh tra, từ 2010 đến tháng 6/2013, Công ty mẹ Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính, cụ thể là vào mảng ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản với tổng số tiền 2.255,6 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định như: tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex 171,3 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp) mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng vốn kinh doanh 231,9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với nghị quyết của hội đồng quản trị.
Tập đoàn này cũng ủy thác cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án 414,6 tỷ đồng từ vốn chiếm dụng trong thanh toán, chưa bố trí được nguồn vốn cho đầu tư xây dựng. Chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Một số khoản đầu tư của Công ty mẹ hiệu quả thấp: Đầu tư 178,5 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex và Công ty Cổ phần Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả; đầu tư 38,8 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN và Công ty Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức.
Ngoài ra, một số khoản đầu tư vào Công ty Vận tải xăng dầu (Vipco), Hóa dầu Petrolimex, Công ty Xăng dầu khu vực 2 cũng được cho là bất hợp lý, không đúng quy định, trong đó đầu tư vào Vipco được Thanh tra Chính phủ xác định là vi phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, hồi tháng 4/2008, Vipco đã chuyển 72,5 tỷ đồng vào tài khoản chung do Công ty Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản, sau đó có văn bản cho phép Công ty Thiên Lộc Phú rút ra từ ngân hàng 20,2 tỷ đồng nhưng không có căn cứ, số tiền rút ra không sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng và hoạt động của Công ty Thiên Lộc Phú (thực tế công ty này không hoạt động kinh doanh).
Thiên Lộc Phú đã trả lại Vipco 1,5 tỷ đồng, số còn lại gần 19 tỷ đồng đến nay không thu hồi được là việc làm “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”, Kết luận Thanh tra cho hay.
Ngoài ra, tháng 4/2008, nguyên Tổng giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Vipco còn chuyển số tiền 483 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, đến nay cũng không thu hồi được, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng số tiền chưa thu hồi được trên 19,1 tỷ đồng. Điều này cũng biểu hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đối với cá nhân nói trên.
Năm 2006, Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực 3 và Phó chủ tịch UBND xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 360 m2 đất trái thẩm quyền, làm phát sinh công nợ 540 triệu đồng, nguy cơ mất vốn.
Nhiều sai phạm trong kinh doanh xăng dầu
Ngoài những sai pham trên, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của Petrolimex và các công ty xăng dầu thành viên.
Cụ thể là việc xác định sai sản lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế, dẫn đến trích thiếu Quỹ bình ổn giá gần 5 tỷ đồng. Năm 2011, tập đoàn chỉ đạo các công ty xăng dầu thành viên kinh doanh có lãi trích lập Quỹ bình ổn, thực tế 11 công ty đã trích lập số tiền 221,3 tỷ đồng, không đúng đối tượng theo quy định.
Petrolimex còn hạch toán vào chi phí xăng dầu hao hụt vượt định mức, không đúng quy định của Quy chế kinh doanh xăng dầu, làm giảm hiệu quả kinh doanh gần 7 tỷ đồng. Việc tập đoàn này thuê tàu vận tải xăng dầu cho Công ty Vipco theo phương pháp thuê định hạn là chủ yếu, tuy đảm bảo được sự chủ động trong vận chuyển xăng dầu nhưng đơn giá thuê định hạn cao hơn nhiều so với thuê chuyến, dẫn đến tăng giá vốn, giảm hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ đối với các công ty xăng dầu thành viên chưa tuân thủ nguyên tắc, phương pháp xác định giá quy định trong quy chế kinh doanh xăng dầu và chưa phù hợp với giá bán do liên bộ Tài chính – Công Thương công bố, thể hiện ý chí chủ quan trong việc quyết định giá, dễ phát sinh tiêu cực.
Thanh tra Chính phủ nhìn nhận, đây là dấu hiệu sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhưng tập đoàn chưa có biện pháp quản lý, khắc phục.
Công ty Xăng dầu Khu vực 2 và Công ty TNHH Vipco Hạ Long đã buông lỏng điều kiện thanh toán khi ký hợp đồng bán tái xuất xăng dầu, cho phép bên mua chậm thanh toán nhưng không có điều kiện để đảm bảo thu hồi, làm phát sinh công nợ khó đòi hơn 278 nghìn USD, nguy cơ mất vốn….
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất, Petrolimex và các đơn vị thành viên để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm như không tổ chức đấu thầu theo quy định, chỉ định nhà thầu không đủ năng lực tài chính…
Trong quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước có một số khuyết điểm, vi phạm như đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định, thiếu cơ sở, cao hơn chi phí thực tế của tập đoàn, thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân thuộc tập đoàn và các công ty liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, quản lý hoạt động kinh doanh cũng như trong công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ cũng chuyển Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc xảy ra giữa Công ty Vipco và Công ty Thiên Lộc Phú do để thất thoát hàng chục tỷ đồng nhưng đến nay chưa thu hồi được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét