Góc nhìn: Cần lý trí hơn về dự án thép của Hoa Sen

Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã được Ninh Thuận chấp nhận về chủ trương đầu tư một tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép tại Cà Ná, với tổng công suất thiết kế trong giai đoạn đến năm 2022 là 6 triệu tấn thép, và nâng lên 16 triệu tấn đến năm 2031.

Theo Hoa Sen, trong giai đoạn 2017-2018, dự án sẽ triển khai xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 1,5 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư 460 triệu USD. Dự án cũng gồm xây dựng cảng nước sâu và bến chuyên dụng để tiếp nhận tầu có trọng tải tới 300.000 DWT.

Khi mới được công bố, dự án này đã lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu xoay quanh mấy vấn đề như: công nghệ và thiết bị sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, nguồn cung thép trong nước đã dư thừa, ngành thép là một ngành có công nghệ cũ hàng thế kỷ nên không nên làm thép nữa mà thay vào đó là sản xuất thép hợp kim cao cấp, và nguồn vốn ở đâu để thực hiện dự án lớn như vậy?...

Trước tiên, hãy đề cập đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

Cần thẳng thắn thừa nhận là là dù có giữ gìn cẩn thận đến đâu thì mọi dự án sản xuất gang thép đều gây ô nhiễm ở một mức độ nào đó, không là nước thải thì là khói bụi, khí thải. Vấn đề là, mức độ ô nhiễm này phải trong các hạn mức cho phép được quy định trong các bộ tiêu chuẩn quy phạm về bảo vệ môi trường của quốc gia.

Nếu dự án Hoa Sen được thiết kế, xây dựng và vận hành tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy phạm này (của Việt Nam) thì sẽ không có vấn đề gì đáng nói ở đây. Nhưng dư luận lo ngại, dự án thép này của Hoa Sen sẽ lại như một dự án thép Formosa thứ hai ở Việt Nam, nên tốt nhất là… tránh đi, không làm nữa!

Lo ngại trên hoàn toàn có thể thông cảm được, nếu nhìn từ vụ việc Formosa. Nhưng, nếu cứ lấy Formosa để làm bài học và rút ra kết luận rằng mọi dự án thép đều sẽ hủy hoại môi trường tương tự như vậy, là vô lý.

Bởi vấn đề với Formosa là họ cố tình không tuân thủ các quy định về môi trường của Việt Nam, chứ không phải vấn đề là họ sản xuất thép nên mới gây ô nhiễm như vậy.

Trên thế giới, ngay tại các nước OECD như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, và châu Âu, hiện vẫn đang có nhiều dự án phức hợp luyện cán thép có công suất và sản lượng lên tới hàng chục triệu tấn/năm như ArcelorMittal (97 triệu tấn năm 2015), Nippon Steel and Sumitomo Metal (46 triệu tấn), POSCO (42 triệu tấn), JFE Steel (30 triệu tấn), Hyundai Steel (20 triệu tấn), Nucor (20 triệu tấn), ThyssenKrupp (17 triệu tấn), US Steel (15 triệu tấn)…

Và đương nhiên là tiêu chuẩn môi trường và các chế tài áp dụng để giám sát tuân thủ tiêu chuẩn môi trường của các doanh nghiệp sản xuất thép ở những nước và khu vực này không thể thấp hơn ở Việt Nam.

Các dự án thép khổng lồ này vẫn hoạt động từ nhiều năm nay ở đó, chứng tỏ sản xuất thép, kể cả ở quy mô khổng lồ, đã và đang không phải là “sát thủ” môi trường, như dư luận ở Việt Nam đang quy kết một cách bất công cho các dự án thép nói chung, và của Hoa Sen nói riêng.

Bởi vậy, việc cần phải làm với dự án Hoa Sen không phải là “bàn lùi”, can ngăn, cản trở để họ không đầu tư nữa, mà phải là đảm bảo rằng họ sẽ không tạo ra một Formosa thứ hai bằng cách cố tình phớt lờ các tiêu chuẩn quy phạm môi trường, khi đi vào sản xuất sau này.

Bằng cách nào thì câu trả lời nằm ở phía các cơ quan chức năng của Việt Nam, được trang bị đầy đủ các công cụ và quyền hạn thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, về chuyện dư thừa công suất sản xuất thép trong nước, tình trạng này là một thực tế hiện nay ở Việt Nam. Nhưng cần biết rằng trong tổng công suất lắp đặt khoảng 20-25 triệu tấn hiện nay ở Việt Nam, có một tỷ trọng lớn là từ các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ và rất nhỏ (dưới 500 nghìn tấn).

Đến như Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay với thị phần khoảng 12% thị trường thép ở Việt Nam (Hòa Phát tiêu thụ gần 1 triệu tấn thép xây dựng và thép ống trong nửa đầu năm nay, so với tổng mức tiêu thụ của cả nước là 8,5 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam) mà doanh nghiệp này cũng chỉ có công suất lắp đặt là khoảng 2 triệu tấn.

Do đó, sự ra đời của những dự án “khủng” như của Hoa Sen với sản xuất tích hợp từ thượng nguồn (sản xuất thép thô từ quặng sắt và than cốc bằng lò cao) đến hạ nguồn (thép cuộn, cán, hình) có hiệu quả cao chắc chắn sẽ tăng áp lực cạnh tranh lên sản xuất thép trong nước, buộc nhiều nhà máy và dự án thép (hiện có và sẽ ra đời trong tương lai) không có hiệu quả sẽ phải đóng cửa hoặc rút lại ý định đầu tư.

Nói cách khác, dự án thép Hoa Sen sẽ giúp tái cơ cấu lại ngành sản xuất thép ở Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, tương tự như xu thế chung trên thế giới, đặc biệt ở những nước như Trung Quốc, vốn đang diễn ra làn sóng sát nhập, hợp nhất và đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất thép nhỏ, không hiệu quả, gây ô nhiễm… dưới bàn tay đạo diễn của nhà nước.

Do đó, khi dự án Hoa Sen đi vào hoạt đông thì ngành thép Việt Nam sẽ có thêm đáng kể công suất gia tăng, nhưng đồng thời cũng sẽ có thêm đáng kể công suất mất đi từ những nhà máy đang tồn tại, nên rốt cuộc tình trạng dư thừa cung chắc sẽ không trầm trọng thêm.

Thứ ba, trên danh nghĩa đúng là Việt Nam đang dư thừa năng lực sản xuất thép, nhưng nhìn sâu vào cơ cấu sản xuất, thì thấy dư thừa là ở phân khúc thép xây dựng, chứ không phải thép tấm, thép cuộn cán nóng. Có thể nói Việt Nam hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thép tấm, cuộn cán nóng để sản xuất các sản phẩm thép cán nguội như tôn, thép công nghiệp (đồ điện gia dụng), nhất là thép ôtô và đóng tầu…

Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu hụt năng lực sản xuất thép ống không hàn và các loại thép đặc biệt, thép hình khác. Điều này lý giải, tại sao Việt Nam vẫn phải nhập nhiều triệu tấn thép/năm, vì trong đó có một phần lớn là các sản phẩm thép mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được này.

Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm của dự án Hoa Sen rất đa dạng, từ thép xây dựng đến thép tấm cán nóng và thép hình, tức là sẽ bổ khuyết một phần quan trọng cho sự thiếu hụt trong nước, không chỉ không lo dư thừa công suất mà không còn lo phải nhập siêu lớn trong ngành này.

Cộng thêm với sự tồn tại và sản xuất của Formosa, sự tái cơ cấu ngành thép ở Việt Nam (lưu ý là Formosa cũng sản xuất nhiều loại sản phẩm mà trong nước chưa đáp ứng được) sẽ càng diễn ra mạnh hơn theo chiều hướng tích cực hơn.

Ngược lại, với sự đối trọng của dự án thép Hoa Sen, Formosa sẽ phải tìm cách cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường trong nước, và thậm chí phải tìm cách xuất khẩu nhiều hơn nếu không muốn đối mặt với sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn ở trong nước.

Thứ tư, đúng là công nghệ sản xuất thép hiện đã định hình gần như hoàn chỉnh, ít có thêm đột phá công nghệ nên vì thế cũng có thể coi là ngành có công nghệ bình thường, không có gì đáng hấp dẫn về mặt công nghệ như những ngành công nghệ cao khác hiện đại khác. Nhưng, Hoa Sen là một tập đoàn tư nhân nên quyết định đầu tư vào ngành thép của họ là xuất phát từ những tính toán thiệt hơn về lợi nhuận, chứ không xuất phát từ sự bốc đồng, có động cơ chính trị, xã hội, hay vụ lợi như với một số dự án đầu tư công.

Với họ, câu hỏi liệu công nghệ mới hay không, nên sản xuất thép thường hay thép hợp kim cao cấp không quan trọng bằng câu hỏi có tối đa hóa được lợi nhuận cho cổ đông của mình hay không. Nếu họ tính toán thấy rằng đầu tư vào dự án phức hợp thép đem lại lợi nhuận tốt thì hãy để họ làm và nên ủng hộ họ, tất nhiên với điều kiện là họ phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật.

Ngoài ra, về lo ngại Hoa Sen sẽ sử dụng công nghệ của Trung Quốc, thì cũng cần tham khảo tình hình quốc tế.

Mới hôm trước (ngày 27/8), chính quyền bang Sarawak, Malaysia ký kết bản ghi nhớ với tập đoàn thép Hebei Xinwuan và công ty MCC Overseas (đều của Trung Quốc) về nghiên cứu khả thi cho một dự án thép phức hợp có công suất tới 5 triệu tấn thép mạ, 1 triệu tấn thép cuộn cán nguội, và 1 triệu tấn ống thép hàn với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.

Điều này cho thấy công nghệ Trung Quốc không nhất thiết là “đồ bỏ”, và thực tế là những doanh nghiệp thép lớn của Trung Quốc có tính cạnh tranh toàn cầu, đẩy không ít doanh nghiệp thép lớn nhỏ của thế giới vào tình trạng khốn đốn.

Cuối cùng, nguồn vốn cho dự án, nếu đầu tư đầy đủ để đạt công suất 16 triệu tấn vào năm 2031, được ước tính lên tới hơn chục tỷ USD, làm cho nhiều người e ngại tính khả thi. Nhưng cần lưu ý rằng, dự án này trải qua nhiều giai đoạn, với công suất lắp đặt tăng dần, nên nhu cầu vốn cũng sẽ rải ra trong một khoảng thời gian nhiều năm.

Thêm nữa, như đã nói, Hoa Sen là một tập đoàn tư nhân và khi quyết định đầu tư, đầu tư bao nhiêu thì họ đã tính toán và lượng sức mình, sức thị trường vốn để ra quyết định đầu tư. Kể cả trong trường hợp xấu, quyết định đầu tư của họ chỉ gây thiệt hại cho cổ đông của họ, chứ không gây thiệt hại, ảnh hưởng mấy đến quốc dân như với những dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước.

Bởi vậy, chuyện thu xếp vốn cũng là quyền và là chuyện riêng của Hoa Sen, xin đừng bận tâm hộ cho họ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét