Bộ Tài chính không muốn giảm thuế cho TKV

Bộ Tài chính vừa chính thức có ý kiến phản hồi kiến nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc giảm thuế cho doanh nghiệp này nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong công văn do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho hay, về giải pháp giảm thuế, hiện nay, mức thuế của tài nguyên đối với mặt hàng than là 10% và 12%, quy định tại Nghị quyết số 1084/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, việc xem xét sửa đổi thuế suất thuế tài nguyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, mức thuế suất tài nguyên quy định vừa mới ban hành nên cần có thời gian để tổng kết đánh giá. Mặt khác, việc đề nghị thay đổi mức thuế suất của từng sắc thuế căn cứ trên kiến nghị của một đơn vị cần được cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn.

Trong khi đó, theo báo cáo của TKV, sản lượng khai thác hằng năm của 3 mỏ Vàng Danh, Uông Bí, Năm Mẫu là 8,5 triệu tấn than, trong đó khoảng 35% (tương đương 3 triệu tấn than) là than có chất lượng cao, trong nước ít có nhu cầu sử dụng.

Hiện nay, giá than nhập khẩu thấp hơn giá bán trong nước nên các nhà máy điện, xi măng giảm sản lượng mua từ TKV nên lượng tồn kho tăng, trong khi lượng than xuất khẩu theo kế hoạch tính cho giai đoạn 2017 - 2019 là 2 triệu tấn/năm.

Do đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tăng kế hoạch xuất khẩu cho giai đoạn 2017 - 2020 lên 3 - 4 triệu tấn/năm, bởi đây là giải pháp có tính khả thi hơn vì giảm được lượng than tồn kho mà trong nước ít có nhu cầu sử dụng.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) Nguyễn Khắc Thọ, hiện giá than thế giới đã tăng so với những tháng đầu năm và tiệm cận dần với giá sản xuất trong nước. Vì vậy, dự kiến từ nay đến hết năm 2016, lượng than nhập khẩu sẽ giảm dần, nếu có chỉ là các doanh nghiệp thực hiện nốt các hợp đồng đã ký.

Việc tiêu thụ than tồn kho, ông Thọ cũng cho rằng cần phải tăng lượng xuất khẩu, phải tạo được thị trường và có cơ chế về giá, giá cao sẽ không tiêu thụ được.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến 15/9, tổng lượng nhập khẩu than là 10,1 triệu tấn với kim ngạch 629,5 triệu USD. Những thị trường cung ứng than lớn cho Việt Nam gồm Australia, Nga, Indonesia và Trung Quốc. Những năm qua, ngành than liên tục kêu khó. TKV cho rằng, than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu chủ yếu do thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Autralia, Trung Quốc từ 5-7%.

Trong khi giá than thế giới giảm thì các loại thuế, phí than trong nước lại tăng, chiếm khoảng 15%. TKV đã gửi văn bản kiến nghị xem xét giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên đối với sản phẩm than nói riêng bằng mức các nước trong khu vực. Cụ thể, than hầm lò 5%, than lộ thiên 7%, không tính phí môi trường trên cả đất đá thải ra trong quá trình khai thác.

Đầu tháng 10 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của TKV, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn TKV.

Trong đó lưu ý các chính sách về các loại thuế liên quan tới ngành than như thuế suất, giá tính thuế tài nguyên và thuế nhập khẩu than, trong giai đoạn khó khăn để bảo đảm cạnh tranh, giữ vững thị trường và năng lực sản xuất của ngành than; các giải pháp về tái cấu trúc của Tập đoàn TKV để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét