Ở báo cáo kỳ này, Chính phủ đánh giá, trong giai đoạn 2011 - 2015 và 9 tháng năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các doanh nghiệp Nhà nước đã tích cực thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Như, hệ thống doanh nghiệp Nhà nước đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn, từ chỗ năm 2010 còn gần 1.500 doanh nghiệp Nhà nước, đến hết năm 2015 chỉ còn 652, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng.
Hay, công tác cổ phần hóa đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Hiện nay, đa số các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước (khoảng 450/700 doanh nghiệp niêm yết).
Với doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015, kết quả hoạt động kinh doanh của năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hóa.
Cụ thể: vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.
Báo cáo cũng nêu một số tồn tại, như tiến độ cổ phần hoá của một số bộ, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn chậm....
Những tồn tại trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan có nguyên nhân chủ quan. Trong đó, một số bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, làm ảnh hưởng đến tiến độ của quá trình cổ phần hóa.
Nhưng, cũng như các báo cáo trước, ai nhận thức chưa tốt, nơi nào chậm, trách nhiệm ra sao... là những thông tin không tìm được trong báo cáo.
Trong định hướng đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn tới, Chính phủ thêm một lần đề cập việc tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong việc thực hiện phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp đã được phê duyệt, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
Chính phủ cũng tái khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả công tác cổ phần hóa doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét